|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhật Bản: Tỷ lệ người trên 50 tuổi không có việc làm có thể tăng mạnh

07:38 | 05/09/2019
Chia sẻ
Theo OECD, số người ở độ tuổi trên 50 không có việc làm tại Nhật Bản có thể tăng 29% vào năm 2050 so với năm 2018, gây áp lực cho các kế hoạch hưu trí công.

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản cần tiến hành các cải cách để khai thác hiệu quả lực lượng lao động trong nước, trong bối cảnh số người ở độ tuổi trên 50 không có việc làm có thể tăng 29% vào năm 2050 so với năm 2018, gây áp lực cho các kế hoạch hưu trí công của nước này.

OECD cho biết tại Nhật Bản, cứ 100 người trên 50 tuổi thì có 59 người không có việc làm vào năm 2050, đồng thời cho rằng nước này có thể làm chậm lại đà tăng này xuống còn 5% nếu Tokyo lùi độ tuổi trung bình mà người lao động nghỉ hưu cũng như giảm sự chênh lệch về giới tính trong lực lượng lao động.

Trong khi đó, tỷ lệ trung bình dân số trên 50 tuổi không có việc làm vào năm 2050 của OECD có thể tăng 39% so với năm 2018, nhưng việc thúc đẩy các cải cách có thể làm giảm mức tăng này xuống 9%.

Tại một buổi họp báo mới đây ở Tokyo, ông Stefano Scarpetta, người phụ trách việc làm, lao động và các vấn đề xã hội của OECD, cho rằng tại Nhật Bản đang tồn tại một “nghịch lý”, đó là nước này có nhiều lao động giỏi nhưng tỷ lệ sử dụng lao động lại thấp.

Ông cho biết nhiều kỹ năng mà lao động nữ và các lao động cao tuổi có chưa được khai thác một cách triệt để.

Tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ từ 25-54 tuổi tại Nhật Bản chỉ ở mức chưa đến 79% năm 2018, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở một số nước phát triển khác trong OECD.

Theo ông Scarpetta, một trong những thách thức lớn đối với Nhật Bản là tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho những người trong độ tuổi từ 60-65, vì kinh nghiệm và kiến thức mà họ tích lũy được sau nhiều năm làm việc có thể được tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của xã hội.

Khánh Ly

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tác động từ vĩ mô toàn cầu đến TTCK Việt Nam tương đối thách thức
Tại sự kiện Báo cáo chiến lược đầu tư thường niên 2025 do FinPeace tổ chức mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, đưa góc nhìn về bối cảnh kinh tế toàn cầu và xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô trong nước, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.