4,8 nghìn tỉ USD tiền mặt ‘nằm im’ trong tài khoản của các doanh nghiệp Nhật Bản, mức cao nhất từ trước tới nay
Ảnh: Reuters
Theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp từ loạt hồ sơ doanh nghiệp mới nhất, các công ty niêm yết tại Nhật Bản đang nắm giữ 506,4 nghìn tỉ yen (tương đương 4,8 nghìn tỉ USD) tiền mặt - con số lớn nhất từng ghi nhận.
Dự trữ tiền mặt của doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng gấp ba lần kể từ tháng 3/2013, vài tháng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền và tuyên bố sẽ dập tắt tình trạng tích trữ tiền mặt.
Mặc dù doanh nghiệp xem tiền mặt là một bộ đệm để vượt qua thời kì khó khăn, nhưng tích trữ tiền mặt từ lâu đã khiến nhà đầu tư giận dữ, vì họ cho rằng các giám đốc công ty nên dùng tiền để đầu tư tăng trưởng hoặc trả lại cho cổ đông.
Doanh nghiệp Nhật Bản đang "ngồi" trê khoản dự trữ tiền mặt khổng lồ, trị giá 4,8 nghìn tỉ USD. (Nguồn: Bloomberg)
Ở một trong những chính sách được ca ngợi nhiều nhất của mình, ông Abe đã đại tu cấu trúc quản trị doanh nghiệp, từ đó nỗ lực thúc đẩy các công ty sử dụng vốn hiệu quả hơn thay vì để chúng yên vị trong tài khoản ngân hàng.
Không phải chính sách của Thủ tướng Nhật Bản không "đơm" quả ngọt. Các doanh nghiệp đang trả cổ tức cho cổ đông nhiều hơn kể từ khi chính phủ của ông Abe đưa ra qui tắc mới cho nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, ông Zuhair Khan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Jefferies Japan, ước tính doanh nghiệp Nhật Bản chỉ đóng góp khoảng 40% lợi nhuận trả cho cổ đông, trong khi họ có khả năng chi trả đến 70%.
"Thực trạng này cần phải được sửa đổi", bà Naoki Kamiyama, chiến lược gia trưởng tại Nikko Asset Management (Tokyo), nhận định.
"Trước đây, chính sách bảo thủ đã buộc doanh nghiệp dự trữ tiền mặt, tuy nhiên giờ đây tình trạng tích trữ tiền mặt lại là kết quả của quá trình cải thiện các nguyên tắc cơ bản", bà Feliz Lam, nhà quản lí danh mục đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BNP Paribas, cho hay.
"Trong ba năm tài khóa gần nhất, số thương vụ mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp Nhật Bản đã đạt mức kỉ lục. Và họ chủ yếu dùng tiền từ bảng cân đối kế toán cho các thương vụ này thay vì dư nợ", bà Lam nói.
Theo Goldman Sachs, trong năm 2018, số thương vụ mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhật Bản đã niêm yết trị giá khoảng 60 tỉ USD. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, số tiền này là xấp xỉ 50 tỉ USD.
Trong đó Sony Corp và SoftBank Group là hai ông lớn công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu kỉ lục.
Số thương vụ mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp Nhật Bản tăng vọt trong những năm gần đây. (Nguồn: Goldman Sachs)
Đồng thời, cho đến năm 2019, các công ty Nhật Bản cũng đã trả khối lượng cổ tức trị giá 8,4 nghìn tỉ yen - một mức cao chưa từng thấy, theo Societe Generale SA.
Tuy nhiên, số lượng giao dịch mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn không thấm vào đâu so với thị trường Mỹ, nơi 500 công ty lớn nhất đã tuyên bố mua lại đến 800 tỉ USD vào năm ngoái.
Chỉ số Topix đã tăng 0,2% trong phiên giao dịch sớm ngày 3/9, giúp nó tăng gần 1% trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại tăng gần 17% chỉ trong năm 2019.
Các nhà phê bình cho hay, doanh nghiệp Nhật Bản chưa chủ động với số tiền họ có. Chẳng hạn, các thương vụ mua lại và sáp nhập đều không gây tiếng vang. Tổng số thỏa thuận mà các công ty đại chúng Nhật Bản từng công bố trong năm nay đã giảm từ 215 tỉ USD trong cùng kì năm ngoái xuống 95 tỉ USD.
Bên cạnh đó, theo ông Soichiro Matsumoto - CIO khu vực Nhật Bản của Credit Suisse Group AG, việc giữ một đống tiền mặt với lãi suất gần như bằng 0 khiến doanh nghiệp không thu được nhiều lợi nhuận từ cổ phiếu.
Cách sử dụng tiền "chắt chiu" của các nhà lãnh đạo Nhật Bản không phải là điều gì gây ngạc nhiên đối với nhà quan sát trên thị trường, vì họ cho rằng phần lớn doanh nghiệp đều chọn thái độ bảo thủ sau khi giá tài sản sụt giảm nghiêm trọng hồi đầu những năm 1990.
Ba thập kỉ sau, bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản vẫn không muốn dính dáng đến việc vay nợ.
"Chiến lược của họ là phải có thật nhiều tiền mặt, thứ mang đến cho doanh nghiệp sự linh hoạt về mặt chiến thuật và cũng là cách đề phòng cho thời kì đen tối của thị trường khi mà không ai biết nền kinh tế này sẽ đi về đâu", ông Khan nhận định.
"Dù sao cũng thật tốt khi doanh nghiệp chi trả nhiều tiền cho nhà đầu tư thông qua hoạt động mua lại cổ phiếu hơn", ông Nicholas Smith, chiến lược gia tại CLSA (Tokyo), cho hay. "Tuy nhiên, số tiền đó cũng chẳng đáng là bao".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/