|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2% trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Tổng cục Thống kê làm rõ lý do

18:04 | 20/06/2023
Chia sẻ
Theo TCTK, đặc điểm của thị trường lao động việc làm ở Việt Nam là 65% lao động phi chính thức nên những thông tin về tình trạng doanh nghiệp cắt giảm quy mô, cắt giảm lao động, sa thải công nhân là có, song chỉ là một phần nhỏ hơn trong toàn thị trường lao động việc làm.

Liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp mà Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố chỉ 2,2% trong khi theo điều tra của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng (Ban IV), có tới 31% người lao động tham gia khảo sát không có việc làm, mới đây TCTK đã có những làm rõ về vấn đề trên.

Cụ thể, theo báo cáo từ TCTK, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25% nhưng theo khảo sát trên 8.343 người lao động của Ban IV, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 31%.

Trong đó, 27,1% người lao động không có việc là do cơ sở sản xuất kinh doanh sa thải vì không có đơn hàng; 22,6% người lao động không có việc là do cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngừng kinh doanh và 9,8% người lao động không có việc là do cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc giải thể.

(Nguồn: Ban IV).

Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV cho biết, kết quả khảo sát 9.556 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô lên tới 38,5% và giảm nhẹ quy mô là 20,5%.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta vẫn ở mức khá thấp, trong quý I/2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, con số này làm dấy lên lo ngại về tính xác thực.

 Toàn cảnh Tọa đàm "Số liệu thống kê và truyền thông chính sách". (Ảnh: N.H).

Trao đổi với báo chí tại Tọa đàm "Số liệu thống kê và truyền thông chính sách" sáng 19/6, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, cho biết, để có được con số thống kê, cơ quan thống kê hoàn toàn dựa vào điều tra về tình hình lao động, việc làm.

Trong đó, cuộc điều tra lao động việc làm được thực hiện từ ngày 1 đến 7 hàng tháng, điều tra hơn 19.000 hộ với trung bình mỗi năm hơn 220.000 người. Các cuộc điều tra này được thực hiện gần 20 năm qua, với bảng hỏi khoảng 70 câu, từ thiếu việc làm, thất nghiệp, thu nhập bình quân của lao động... Bảng hỏi này có sự phối hợp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Ông Nam nhấn mạnh, số liệu thất nghiệp phải căn cứ vào khái niệm chung của thế giới như: Đánh giá tính người từ 15 tuổi trở lên, đang sẵn sàng làm việc, đang muốn tìm việc trong thời gian tham chiếu (từ ngày 1 – 7 hàng tháng) nhưng không tìm được việc làm loại trừ đi những không có việc làm nhưng không có nhu cầu tìm việc.

Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cơ bản tương đồng với Thái Lan, Philippines và cao hơn Lào, Campuchia… Điểm chung là các nước này đều có sự hỗ trợ của ILO.

“Khi thực hiện các cuộc điều tra hay nhập biến số, chuyên gia của ILO đều ngồi cùng với chúng tôi hàng tháng trời. Họ rất tin tưởng vào số liệu thống kê lao động, việc làm của Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Cũng theo ông Nam, đặc điểm của thị trường lao động việc làm ở Việt Nam là lao động phi chính thức rất lớn, lên tới khoảng 65%, còn lại là khu vực chính thức (khu vực doanh nghiệp). Chính vì thế, những thông tin về tình trạng doanh nghiệp cắt giảm quy mô, cắt giảm lao động, sa thải công nhân là có, song chỉ là một phần nhỏ hơn trong toàn thị trường lao động việc làm.

“Phương pháp thống kê phải nhìn chung, quy luật số lớn chứ không phải theo góc hẹp”, ông Nam nhấn mạnh.

Giải thích thêm về vấn đề này, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của chúng tôi luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

TCTK cũng làm việc với các tổ chức quốc tế như ILO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)…trong các quá trình hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu.

Tuy vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thừa nhận, số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế; thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ số liệu.

Hạ An