|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

2,7 triệu lao động bị doanh nghiệp nợ BHXH, hàng trăm nghìn người không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

10:15 | 01/06/2023
Chia sẻ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu thực trạng về gần đây có rất nhiều lao động thất nghiệp nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội.

Phát biểu về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương cho rằng hiện nay, sức khỏe của các doanh nghiệp chưa tốt, người lao động gặp khó khăn do không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội vì doanh nghiệp nợ phí.

Theo đại biểu Trân, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ một tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.(Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

"Trong khi hàng trăm nghìn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội nhưng không được đảm bảo quyền lợi do doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định", đại biểu Trân nói.

Đại biểu Trân cũng nêu vấn đề về việc thời gian gần đây, lượng người lao động thất nghiệp tăng nhanh, họ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được hưởng không chốt được sổ bảo hiểm xã hội và kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cũng nêu thực trạng về số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều đó cho thấy, giai đoạn này, doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Đại biểu Trang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí,… 

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cũng bày tỏ lo ngại khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, số doanh nghiệp phá sản tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng.

Theo đại biểu thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Hạ An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.