Đề xuất bỏ quy định chờ một năm mới được rút bảo hiểm xã hội một lần
Góp ý với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, cả Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều kiến nghị nên quy định về thời gian nhận BHXH một lần. Cụ thể, theo dự thảo, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện mới được nhận BHXH một lần.
Với quy định này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá, không phù hợp với mục đích và bản chất của BHXH một lần khi mục đích của loại hình này là nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định sau khi nghỉ việc một năm mới được rút BHXH một lần. Vì vậy, việc giảm điều kiện về thời gian từ một năm xuống mức khoảng ba tháng là phù hợp.
BHXH Việt Nam cũng đề xuất, bỏ quy định về thời gian chờ vì không có tác dụng ngăn tình trạng nhận BHXH một lần. Trái lại, việc phải chờ đợi phát sinh tình trạng thu gom sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, gây mất trật tự an toàn xã hội khi phát sinh tranh chấp.
Hiện tại, tại Điều 77, dự thảo Luật BHXH đưa ra hai phương án về quy định hưởng BHXH một lần.
Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Với phương án 2, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bởi việc điều chỉnh này rất nhạy cảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội.