Bảo hiểm Aviva làm ăn ra sao trước khi về tay Manulife và trở thành MVI Life?
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Aviva (Aviva Việt Nam) có tiền thân là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank Aviva, liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Aviva đến từ Vương quốc Anh.
Aviva Việt Nam được thành lập khi Tập đoàn Aviva mua lại phần vốn góp của Ngân hàng VietinBank vào năm 2017. Tới tháng 12/2021, công ty mẹ của Aviva đã chuyển quyền sở hữu cho Manulife theo hợp đồng mua bán phần vốn góp được ký kết trước đó.
Tuy nhiên, tới ngày 25/3/2022, trên website của công ty mới phát đi thông báo về việc The Manufactures Life Insurance Company (MLI), một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tài chính Manulife, đã được chấp thuận về nguyên tắc của Bộ Tài chính về việc mua lại Aviva Việt Nam.
Sau đó tới ngày 16/6/2022, thương vụ mới chính thức được hoàn tất và Aviva Việt Nam được đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MVI ("MVI Life").
"Chúng tôi đảm bảo rằng mọi quy định và cam kết trong hợp đồng giữa Công ty với Quý khách hàng và các đối tác đều không bị ảnh hưởng", thông báo của MVI Life cho hay.
Thời điểm năm 2017, ngay sau khi VietinBank chuyển nhượng phần vốn góp cho Tập đoàn Aviva, VietinBank và Aviva Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Tới năm 2018, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã chiếm tỷ trong 77% doanh thu khai thác mới. Năm 2020, phí bảo hiểm quy năm từ kênhBancassurance chiếm tỷ trọng 38% trong tổng phí.
Hợp đồng hợp tác độc quyền với VietinBank này sau đó được thay thế bởi Manulife với thời gian 16 năm, việc mua lại Aviva Việt Nam là một phần gắn liền trong giao dịch.
Aviva lỗ nhiều năm trước khi về tay Manulife
Số liệu từ báo cáo tài chính của Aviva (nay là MVI Life) cho thấy trước khi về tay Manulife, hoạt động của công ty bảo hiểm này cũng không mấy khả quan.
Điểm đáng ghi nhận nhất trong suốt 10 năm (từ năm 2012 đến năm 2021) là sự gia tăng về quy mô tài sản và doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm.
Theo đó, tổng tài sản của Aviva không thay đổi đáng kể trong 4 năm đầu (2012- 2014), ghi nhận tăng trưởng mạnh từ năm 2017 (từ 1.608 tỷ lên 4.175 tỷ đồng), thời điểm Aviva trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, và lên mức cao nhất trong năm 2021 với 9.514 tỷ đồng. Số lượng nhân viên chính thức của công ty cũng tăng dần theo quy mô tài sản.
Chỉ riêng trong năm 2021, trong khi tổng tài sản của Aviva tăng gần 28% lên hơn 9.500 tỷ đồng thì số lượng nhân viên lại giảm 19% từ 332 xuống 269 người.
Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Aviva cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh từ năm 2016 với doanh thu đạt 688 tỷ đồng. Con số này vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2018 và lên 3.320 tỷ đồng vào năm 2021.
Mặc dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, lợi nhuận của Aviva cũng chỉ ghi nhận hai năm có lãi (từ năm 2014). Cụ thể, năm 2019 lãi 62 tỷ đồng và năm 2021 lãi 312 tỷ đồng trước thuế, thời điểm chuyên giao vốn sang Manulife.
Ở các năm còn lại, Aviva đều ghi nhận lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, mức lỗ cao nhất là vào năm 2017 với mức lỗ 619 tỷ đồng trước thuế.
Sự "bất ổn" về khả năng sinh lời còn được thể hiện qua biến động của chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn chủ sở hữu của Aviva. Thời điểm lỗ lớn nhất năm 2017, ROE của Aviva ở mức - 30,32% nhưng vẫn chưa thấp bằng thời điểm năm 2016 với ROE ở mức -71,9%. Ở thời điểm lợi nhuận khả quan nhất (năm 2021), ROE của Aviva đạt mức 13,59%.
Hiện MVI Life chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022 nên chưa thể đánh giá được hoạt động của Aviva đã thay đổi thế nào sau khi chuyển giao sang một đơn vị sở hữu mới.
Trong một diễn biến có liên quan gần đây, cái tên MVI Life được nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới sau khi bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) đã phát trực tuyến (livestream) trên Facebook phản ánh nhiều vấn đề bất cập liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết giữa bà và Aviva Việt Nam.
Diễn viên Ngọc Lan cho biết do tin vào lời của tư vấn viên nên không đọc chi tiết lại hợp đồng bảo hiểm nên đã gặp phải những điều không đúng như mong muốn trước khi mua bảo hiểm như: thời gian đóng phí lên tới 74 năm thay vì là 10 năm; số tiền bảo hiểm đóng bảo hiểm sẽ không bị bảo toàn và nhận lãi sau 10 năm;...
Vấn đề đang được cơ quan chức năng yêu cầu công ty MVI Life rà soát và báo cáo lại thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với diễn viên Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm,... Đồng thời, công ty phải chủ động làm việc, giải quyết khiếu nại của khách hàng và có phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn, báo chí.