Aviva dự định bán mảng bảo hiểm ở Singapore và Việt Nam, nhiều công ty nhảy vào 'giành giật'
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho hay, hai công ty bảo hiểm Canada khác, gồm Sun Life Financial và Manulife Financial, cũng nằm trong gần 6 công ty đang "dòm ngó" thỏa thuận trên.
Tổng giá trị của thỏa thuận được ước tính rơi vào khoảng 2 - 2,5 tỉ USD. Theo nguồn tin, các cuộc đàm phán chỉ đang ở giai đoạn đầu và điều khoản thỏa thuận có thể thay đổi.
Kinh tế tăng trưởng nhanh, thói quen mua bảo hiểm chưa phổ biến tại châu Á có lợi gì cho thị trường bảo hiểm khu vực?
Tại châu Á, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và số lượng người dân tham gia bảo hiểm tương đối thấp khiến khu vực này trở thành một thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty bảo hiểm toàn cầu.
Theo một báo cáo của Viện Re Thụy Sỹ, với giá trị rơi vào khoảng 1,7 nghìn tỉ USD; thị trường châu Á được dự đoán sẽ chiếm khoảng 42% hợp đồng bảo hiểm trên toàn cầu vào năm 2029, tăng từ con số 600 triệu USD ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, một số tập đoàn quốc tế lại gặp khó khăn trong quá trình mở rộng qui mô vì sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ lớn trong khu vực, cũng như do hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài ở các thị trường lớn, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Nếu hoàn thành, việc thoái vốn của Aviva tại Singapore và Việt Nam sẽ tăng thêm động lực M&A cho ngành bảo hiểm khu vực trong những năm qua, khi mà các ngân hàng địa phương đang tìm cách thoát khỏi hoạt động kinh doanh thâm dụng vốn này.
FWD thuộc sở hữu của tỉ phú Richard Li (con trai người giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành) đã chi hơn 6 tỉ USD cho 6 giao dịch mua lại trong 6 năm qua nhằm mở rộng dấu ấn tại khu vực châu Á.
Các nguồn tin cho biết, tuần trước là hạn chót cho vòng đấu thầu chính thức đầu tiên cho một giao dịch mà Aviva nhắm mục tiêu chốt vào cuối năm nay.
Khó khăn ở thị trường châu Á buộc Aviva bán công ty con
Aviva, Allianz, Nippon Life, MS&AD và Sun Life đều từ chối bình luận về quá trình thỏa thuận.
Tháng trước, theo một kết quả sơ lược trước khi nhậm chức giám đốc điều hành Aviva vào tháng 3, ông Maurice Tulloch đã công bố đánh giá về hoạt động tại châu Á của tập đoàn.
Aviva hiện đang vận hành tại Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Việt Nam. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này tại châu Á đã tăng 25% lên 284 triệu bảng Anh (tương đương 352,67 triệu USD) trong năm 2018, theo báo cáo thường niên của Aviva.
Aviva điều hành hoạt động kinh doanh thuộc toàn quyền sở hữu của tập đoàn ở Singapore và Việt Nam, trong đó Singapore đóng góp gần một nửa lợi nhuận hoạt động tại châu Á.
Singapore có một thị trường bảo hiểm cạnh tranh và phân mảnh, với nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ chủ yếu được thúc đẩy bởi phân khúc khách hàng giàu có.
Không giống các công ty bảo hiểm lớn có liên kết phân phối với ngân hàng, Aviva chủ yếu dựa vào mạng lưới hàng trăm đại lí để bán sản phẩm.
Động thái bán lại hai đơn vị tại Singapore và Việt Nam được đưa ra sau khi Aviva công bố cắt giảm hàng trăm nhân sự vào tháng 6 và tái cấu trúc doanh nghiệp tại Anh.
Tại Việt Nam, Aviva bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ từ năm 2011 với tiền thân là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Vietinbank Aviva – liên doanh giữa tập đoàn Aviva và Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank).
Tháng 4/2017, tập đoàn Aviva chính thức hoàn tất việc mua lại 50% vốn góp của Vietinbank trong liên doanh và thành lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Aviva Việt Nam. Vào ngày 26/12/2017, Bộ Tài Chính chính thức cho phép Aviva Việt Nam tăng vốn điều lệ lên 2.557 tỉ đồng.
Còn theo cho biết từ Aviva Singapore, lợi nhuận hoạt động nửa đầu năm nay của tập đoàn tại thị trường Singapore tăng 15% so với cùng kì năm trước, đạt 95 triệu SGD (khoảng 1.596 tỉ đồng).
Phí bảo hiểm hàng năm (APE) của Aviva Singapore tăng 24% lên 136 triệu đô la Singapore (SGD) (tương đương 2.284 tỉ đồng).
Doanh số thông qua kênh tư vấn tài chính (FA) tăng 14% và đây vẫn là đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của Aviva Singapore. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng đối với các sản phẩm bảo vệ vẫn tiếp tục, với mức tăng 14% hàng năm.