|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyển đơn tố giác, đề nghị Bộ Công an điều tra vụ gửi tiết kiệm SCB thành mua bảo hiểm Manulife

22:04 | 06/02/2023
Chia sẻ
Cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính đã chuyển đơn tố cáo của hàng chục người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB nhưng bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm, một số chứng từ bị khai khống, giả mạo chữ ký.

Theo thông tin từ Dân trí, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đã nhận được nhiều đơn thư tố giácviệc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, truy tố, buộc Ngân hàng SCB vàCông ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm

Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã có phiếu chuyển đơn tố giác gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (Bộ Công an) liên quan đến vụ việc.

“Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính”, Zing News trích thông tin trên phiếu chuyển đơn của Bộ Tài chính.

 Gửi tiết kiệm biến thành bảo hiểm nhân thọ, người dân căng băng rôn cầu cứu trước văn phòng Manulife. (Ảnh: Tiền Phong).

Trước đó, nhiều cá nhân đã phản ánh với báo Tiền Phong về việc gửi tiết kiệm bị nhân viên bảo hiểm tư vấn lập lờ thông tin, tư vấn sai lệch khi không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, hơn 50 người dân gửi tiết kiệm phản ánh bị chuyển gần 10 tỷ đồng sang mua bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu tư. 

Chị Diễm Trinh, một trong những khách hàng khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên lập lờ chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife cho biết tư vấn viên của Ngân hàng SCB và Mannulife làm sai quy trình tư vấn cho khách hàng. 

“Các tư vấn viên tự ý điền thông tin của khách hàng không đúng với thu nhập thực tế, khai khống con số và thậm chí giả mạo chữ ký của khách hàng trong một số giấy tờ. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bút tích để công ty đối chiếu hoặc làm giám định nét bút để chứng minh nhân viên của phía công ty đã sai ngay từ đầu”, chị Trinh cho biết.

Một khách hàng khác là bà Tạ Thị Thanh Sơn 58 tuổi (Hà Nội) cho hay dù ở nhà nội trợ nhưng bị kê khống thu nhập 120 triệu/tháng. Theo bà Sơn, trong quá trình tư vấn, tư vấn viên không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm, không phân tích nhu cầu, không phân tích tài chính, không tư vấn đúng giá trị của bảo hiểm mà chỉ tập trung vào lãi suất sẽ nhận được.

“Chúng tôi không được tư vấn viên của Manulife giải thích bất cứ điều gì về quyền lợi và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tôi không được biết về các loại phí khi tham gia bảo hiểm hay các điều khoản loại trừ. Tôi nói rõ với tư vấn viên của Manulife không tham gia bảo hiểm nhưng tư vấn viên cố tình đánh tráo khái niệm, lừa chúng tôi đây chỉ là sản phẩm đầu tư mà SCB kết hợp với Manulife và gói bảo hiểm là quà tặng kèm”, bà Sơn nói với Tiền Phong.

Trước đó vào đầu tháng 1,Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cũng đã có văn bản gửi SBC xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật về kiến nghị của người dân phản ánh việc Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.

Huyền Phương