|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhật Bản lo ngại Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

08:27 | 24/05/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp quan trọng ở các nước phát triển, vốn đang bị sụt giảm về lợi nhuận và giá chứng khoán, có thể sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của các doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào của Trung Quốc.

Theo nhật báo Yomiuri, tại hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tháng 4/2020, các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về những nguy cơ mới nổi lên từ sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo đó là: “Liệu các hãng dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế có an toàn, và các ngành này liên quan tới vấn đề an ninh hay không?”.

Bên cạnh đó, một quan ngại khác của các bộ trưởng tài chính G7 đó là các doanh nghiệp quan trọng ở các nước phát triển, vốn đang bị tác động mạnh do sự sụt giảm về lợi nhuận và giá chứng khoán, có thể sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của các doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào của Trung Quốc.

Tại hội nghị này, một quan chức cao cấp phụ trách vấn đề kinh tế của Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ sự cảnh giác trước nỗ lực thống trị nền kinh tế toàn cầu của của Trung Quốc.

Theo quan chức này, cần theo dõi sát sao liệu các doanh nghiệp mạo hiểm hay các doanh nghiệp khởi nghiệp đầy tiềm năng có trở thành mục tiêu thâu tóm của Trung Quốc trong tương lai hay không?

Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy nhanh quá trình bình thường hóa hoạt động kinh tế sau khi tuyên bố về cơ bản, Trung Quốc đã khống chế được sự lây lan của dịch COVID-19. 

Ngược lại, phần lớn các hoạt động kinh tế ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu vẫn đang bị ngưng trệ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Có khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn hồi phục sớm hơn do sự khác biệt về thời gian bùng phát của dịch bệnh, sẽ nhắm tới các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) một số công ty ở những nước phát triển đang bị suy yếu. 

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển cảm thấy đang bị đe dọa.

Để đối phó với thách thức này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước một cách kịp thời. 

Luật Giao dịch Ngoại hối và Ngoại thương sửa đổi đã bắt đầu có hiệu lực vào giữa tháng này, trong đó đặt ra các điều kiện cao hơn cho các bên nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo các quy định mới, sẽ được áp dụng từ ngày 7/6, các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nhiều hơn 1% cổ phần ở 12 lĩnh vực trọng yếu, trong đó có điện hạt nhân, công nghệ vũ trụ và điện lực, sẽ phải thông báo trước với các cơ quan quản lý Nhật Bản về kế hoạch mua cổ phần của mình. 

Quy định này sẽ có hiệu lực đối với khoảng 500 trong tổng số 3.800 doanh nghiệp đang được niêm yết của Nhật Bản.

Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Nhật Bản nói: “Các nước G7 nhận thức rất rõ các vấn đề này ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, và đang âm thầm điều chỉnh”.

Tuy nhiên, một nguy cơ khác lại xuất hiện đó là nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng "thủ thế".

Trong tài khóa 2020, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một hệ thống thuế mới để thúc đẩy cái gọi là “Đổi mới sáng tạo mở” (Open Innovation). 

Theo hệ thống thuế mới này, vốn được coi là trọng tâm của các cái cải cách thuế ở Nhật Bản trong năm nay, các nhà đầu tư rót vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ miễn giảm thuế.

Mặc dù vậy, do tình trạng suy thoái kinh tế nhanh chóng, các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì các ngành kinh doanh hiện nay. 

Việc tham gia vào các lĩnh vực mới hay hợp tác với các ngành khác sẽ bị tạm hoãn. Và như vậy, về bản chất, cấu trúc của nền kinh tế Nhật Bản vẫn không thay đổi.

Theo kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu Mitsubishi, năm 2018, ở Mỹ có 1.473 thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) hướng tới các doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập trong khoảng 10 năm nay, và ở châu Âu có 704 thương vụ, trong khi ở Nhật Bản chỉ có 15 thương vụ như vậy.

Như vậy, có thể thấy có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp ở Nhật Bản với các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua việc hợp nhất một cách linh hoạt với các lực lượng bên ngoài.

Đào Tùng