Nhật Bản khởi động xây dựng chuỗi cung cấp hydro trên mặt trăng
Theo Nikkei Asia, các tổ chức công cùng viện hàn lâm và các công ty tư nhân của Nhật Bản đang chuẩn bị khởi động một dự án nghiên cứu chung về khai thác và phát triển tài nguyên trên mặt trăng.
Đại học Tokyo và Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản sẽ hợp tác với công ty phần mềm và kỹ thuật điện đa quốc gia Yokogawa Electric để thành lập một liên doanh vào đầu mùa thu năm nay.
Các bên sẽ tiến hành nghiên cứu và phát triển thiết bị cho dự án thăm dò nước trên mặt trăng vào năm 2025 của chính phủ.
Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, Đại học Tỉnh Osaka, Công ty Kỹ thuật Nhiệt Takasago và Chiyoda Corp cùng các công ty viễn thông và thương mại... sẽ đi đầu trong việc tìm kiếm nguồn nước uống và năng lượng trong không gian. Đặc biệt, liên minh này còn có sự góp mặt củ các ty khởi nghiệp mới như ispace và Space BD.
Nếu tìm được nguồn nước trên mặt trăng, họ hy vọng sẽ xây dựng một chuỗi cung cấp hydro trên hành tinh này.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản có kế hoạch phóng vệ tinh vào năm 2025 để số hoá bản đồ mạch nước. Ngoài ra, Nghiên cứu của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia về sóng vô tuyến cũng hỗ trợ trong việc tìm ra vị trí của khoáng chất.
Dữ liệu được các nhà khoa học thu thập bằng cách xác định độ sâu thực sự của bề mặt mặt trăng và các loại tài nguyên cần được khai thác. Dữ liệu và phương pháp phân tích sẽ được tối ưu trước khi phóng vệ tinh.
Vào năm 2019, chính phủ Nhật Bản quyết định tham gia vào chương trình Artemis của Mỹ. Artemis có kế hoạch sẽ xây dựng trạm vũ trụ và căn cứ trên mặt trăng vào năm 2024. Thông qua chương trình này, tám quốc gia trong đó có Nhật Bản và Mỹ đã ký một thỏa thuận vào năm 2020 về các nguyên tắc phát triển và sử dụng tài nguyên trên mặt trăng.
Vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc và Nga cũng đã đồng ý với kế hoạch xây dựng các căn cứ trên mặt trăng. Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành "cường quốc không gian" thể hiện qua thành công trong việc lấy mẫu đất trên mặt trăng. Cuộc chiến giành vị thế trong ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gay gắt.