|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần, thép Việt chịu sức ép

07:00 | 21/03/2024
Chia sẻ
Ngành thép Việt Nam vốn đang khó khăn khi nhu cầu thấp, nay lại thêm sức ép to lớn từ thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Dòng thép giá rẻ từ Trung Quốc tiếp tục chảy vào Việt Nam

Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Con số này tăng đột biến so với 2 tháng đầu năm 2023, gấp 3 lần về lượng và 2,3 lần giá trị. Đây cũng là động lực chính khiến tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong hai tháng đầu năm. 

Mặt hàng thép cuộn cán nóng chiếm phần lớn (khoảng 78%) trong cơ cấu chủng loại thép thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm. Tỷ trọng này trong năm 2023 là 73%. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp) 

Trong khi nhu cầu tiêu thụ thép ở thị trường trong nước vẫn yếu,nhập khẩu thép tăng đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy lượng bán hàng thép thành phẩm chỉ mới tăng 11% so với cùng kỳ lên 4,3 triệu tấn. Nếu bóc tách phần xuất khẩu, chỉ tính riêng tiêu thụ trong nước, bán hàng thép thành phẩm hai tháng đầu năm thậm chí giảm.

Cụ thể, tiêu thụ trong nước hai tháng đầu năm nay khoảng 2,7 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 2,8 triệu của thời điểm cách đây một năm. VSA cho biết nhu cầu thép xây dựng trong tháng 2 giảm do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng nhìn chung chưa có tín hiệu khởi sắc.

Trên thực tế, năng lực sản xuất trong nước cơ bản là đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Năm ngoái, các doanh nghiệp  thuộc hiệp hội thép sản xuất 27,7 triệu tấn. Tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.

Do đó, việc thép nhập khẩu ngày càng tràn nhiều vào thị trường nội địa gây sức ép lớn cho các nhà máy thép trong nước. 

Từ đầu quý I, giá nguyên vật liệu (quặng sắt, than coke, phế, ..) giảm, nhưng các chi phí tài chính và tỷ giá USD tăng khá cao, cộng với nhu cầu tiêu thụ thép thấp khiến các nhà máy phải điều chỉnh giảm giá bán nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.

Đầu tháng 3, với sự cạnh tranh gay gắt thị phần, các nhà máy đã có các thông báo điều chỉnh giảm giá bán để mở rộng hoặc giữ thị phần. VSA cho rằng hiện nay các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, và các chi phí tài chính.  

Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá cũng là một vấn đề mà các nhà sản xuất lo ngại. Giá thép nhập khẩu vốn đã rẻ nay còn rẻ hơn khi giảm liên tiếp trong vài tháng qua. 

Giá thép trung bình nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 623 USD/tấn - mức đáy ít nhất kể từ tháng 1/2022 và là tháng có giá giảm thứ 6 liên tiếp. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp) 

Trong lĩnh vực thép cán nóng (HRC), trao đổi với chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp lớn cho biết trên 70% lượng nhập khẩu mặt hàng này là từ Trung Quốc. 

Vị này nói thêm giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557USD/tấn trong quý IV. Giá bán HRC của Trung Quốc trong đầu tháng 3, tiếp tục giảm, dao động trong khoảng 520 - 560 USD/tấn, tùy loại. 

Trong khi đó, giá bán HRC của các doanh nghiệp trong nước dao động 598 - 611 USD/tấn, tuỳ khối lượng của đơn hàng. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Áp lực từ thị trường Trung Quốc còn lớn

Hiện tại Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu thép sang các nước trong bối cảnh tiêu thụ nội địa khó khăn khi ngành bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, ngành thép của các nước lân cận, trong đó có Việt Nam đang chịu áp lực lớn. 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong năm 2023, Trung Quốc ghi nhận lượng thép xuất khẩu cao nhất  giai đoạn 2017-2023 và về lại mức trên 80 triệu tấn/năm. Mức này tương ứng giai đoạn 2014-2015, thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung.

Do đó, VDSC lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc ở khía cạnh cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa.

Các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng từng chia sẻ lo lắng trước làn sóng đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc.

Chia sẻ tại buổi tổng kết ngành thép 2023 do VSA tổ chức hôm 13/1, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát, từng dự báo năm 2024 thị trường thép trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong đó có việc nền kinh tế Trung Quốc có thể chưa khởi sắc. 

“Áp lực từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Năm ngoái, nước này xuất khẩu hơn 90 triệu tấn tấn thép và dự kiến có thể tăng lên 100 triệu tấn trong năm nay. Rõ ràng, nhiều nước đang dựng hàng rào với Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có biện pháp phòng vệ thương mại, chắc chắn với vị trí ngay sát Trung Quốc, áp lực thép nước này đổ vào thị trường nội địa rất lớn. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng”, ông Thắng nói. 

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc. 

H.Mĩ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.