|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ thép có thể phục hồi nửa cuối năm

09:51 | 20/03/2024
Chia sẻ
Nhu cầu từ thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng hạ tầng sẽ là yếu tố hỗ trợ phục hồi tiêu thụ thép nửa cuối năm nay.

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm.

Yếu tố hỗ trợ đến từ nhu cầu của thị trường bất động sản. Theo nhóm phân tích, nguồn cung và mức hấp thụ của thị trường bất động sản được kỳ vọng cải thiện so với năm 2023, khi chủ đầu tư và nhà đầu tư tự tin hơn về sự hồi phục của thị trường lãi suất duy trì ở mức thấp và các dự án hạ tầng trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện.

Việc mở bán thành công các dự án, đặc biệt trong thời điểm nửa cuối 2024 sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động xây dựng, và từ đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép như thép xây dựng, tôn mạ.

Lĩnh vực nhà xưởng/nhà kho xây sẵn là lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn 2024-2025, qua đó đem lại nhu cầu tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm tôn mạ, ống thép.

Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng. Sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng, tập trung trong thời kỳ 2024-2025.  

VDSC cho rằng các hạng mục lớn trong các dự án hạ tầng (cầu, đường trên cao,…) sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024. Tuy nhiên, bất động sản dân dụng vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.

Về mặt lợi nhuận, với kỳ vọng giá nguyên liệu hạ nhiệt và giao dịch trong biên độ hẹp, các công ty duy trì chính sách hàng tồn kho thân trọng, VDSC dự báo lợi nhuận các công ty thép dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, so với mức thấp trong năm 2023 và không còn ảnh hưởng của việc trích lập giảm giá hàng tồn kho như trong nửa đầu năm 2023.       

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm tháng 2 ước đạt gần 2,2 triệu tấn, giảm gần 15% so với tháng trước và giảm hơn 8% so với cùng kỳ.

Bán hàng thép các loại ước đạt gần 1,9 triệu tấn, giảm gần 24% so với tháng trước và giảm hơn 8% so với cùng kỳ.  

Tính chung hai tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,7 triệu tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Bán hàng thép thành phẩm đạt 4,3 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 53% so với cùng kỳ.  

 

Về thép xây dựng, số liệu từ VSA cho biết sản lượng trong tháng 2 ước đạt 833.152 tấn, giảm 17% so với tháng trước và giảm 12% so với tháng 2/2023. 

Bán hàng ước đạt 594.811 tấn giảm 41% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng ước đạt 142.631 tấn, tăng 24,5% so với tháng 2/2023.       

 Nguồn: Steel Online (Anh Đào tổng hợp).

VSA đánh giá nhu cầu thép xây dựng trong tháng 2 giảm do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng nhìn chung chưa có tín hiệu khởi sắc.

Từ đầu quý I, giá nguyên vật liệu (quặng sắt, than coke, phế, ..) giảm, nhưng các chi phí tài chính và tỷ giá USD/VND tăng khá cao. Tuy nhiên, thị trường khá trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ thép thấp khiến các nhà máy phải điều chỉnh giảm giá bán nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.

Đầu tháng 3, với sự cạnh tranh gay gắt thị phần, các nhà máy đã có các thông báo điều chỉnh giảm giá bán để mở rộng hoặc giữ thị phần. VSA cho rằng hiện nay các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp và các chi phí tài chính.               

 

Anh Đào

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.