|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc khó đạt mục tiêu 'thép xanh' vào năm 2025

15:51 | 19/03/2024
Chia sẻ
Ngành thép khổng lồ của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc giảm thiểu phát thải khí carbon do nhu cầu của thị trường đang chậm lại, tỷ lệ tái chế thấp. Đồng thời, các phân tích lo ngại tình trạng dưa thừa nguồn cung kéo dài sẽ cản trở quá trình “xanh hoá” của ngành.

 

Theo Reuters, ngành thép toàn cầu chiếm khoảng 8% tổng lượng phát thải khí carbon dioxide (CO2). Trong số đó, Trung Quốc đang chiếm một nửa. 

Trung Quốc đã cam kết sẽ hành động để giải quyết lượng khí thải từ ngành thép. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết này dường như đang bị chậm tiến độ, nhất là tiến trình chuyển đổi từ lò cao sang lò hồ quang điện (EAF). Lò EAF sử nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu, thay vì quặng sắt; đồng thời quá trình nung nóng chủ yếu sử dụng điện, thay cho than giúp giảm phát thải.

Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 15% lượng thép thô sử dụng lò EAF vào năm 2025 và nâng tỷ lệ lên 20% vào cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, theo David Cachot, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie, tỷ trọng thép sử dụng công công nghệ lò EAF chỉ ở mức 10% vào năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 9,7% một năm trước đó.

Công suất EAF hiện tại của Trung Quốc khoảng 150 triệu tấn sẽ đủ để đáp ứng mục tiêu 15%, nhưng công suất sử dụng thực tế vẫn ở mức thấp, tổ chức nghiên cứu Global Energy Monitor (GEM) của Mỹ.

GEM cho biết, mặc dù mục tiêu 15% của Trung Quốc được coi là không quá cao, nhưng điều này vẫn sẽ giúp cắt giảm 8,7% lượng khí thải từ ngành thép của Trung Quốc. Trong đó, lượng CO2 phát thải trong quá trình sản xuất mỗi tấn thấp hơn khoảng 38% so với các sản phẩm lò cao thông thường.

Tuy nhiên, bà Jessie Zhi, chuyên gia thuộc GEM cho biết nguồn cung cấp phế liệu hạn chế, nhu cầu thép giảm và hạn chế trong nguồn cung điện đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy sử dụng lò EAF. Ngoài ra, mục tiêu cũng bị cản trở do việc xây dựng các lò cao mới.

Hiện nay, hầu hết nguồn cung thép phế liệu của Trung Quốc đều được sử dụng bởi các lò cao truyền thống. Một số cơ sở EAF đã buộc phải chuyển sang sử dụng gang làm nguyên liệu thô, khiến quá trình sản xuất sản sinh nhiều carbon hơn.

Việc tăng cường cung cấp phế liệu hoặc chuyển sang sử dụng sắt hoàn nguyên trực tiếp hay còn gọi là sắt xốp (DRI) làm nguyên liệu thay thế sẽ rất quan trọng đối với sự thành công của EAF ở Trung Quốc.

DRI là một phương pháp sạch hơn để biến quặng sắt thành sắt, sau đó có thể được xử lý thành dạng viên để sử dụng trong EAF.

Ông Chris Bataille, một chuyên gia về khử carbon tại Đại học Columbia, cho biết: "DRI cắt giảm khoảng 70-80% lượng khí thải nhưng điều đó phụ thuộc vào việc liệu các nhà máy có đủ các viên quặng sắt hay không. Hiện tại, nguồn cung chỉ có hạn".  

Ông Bataille cho biết Trung Quốc có thể sản xuất 3/4 tổng lượng thép thông qua EAF vào năm 2050, một khi họ đã xây dựng được cơ sở hạ tầng cần thiết và nguồn cung cấp nguyên liệu đầy đủ.

Ông nói: “Vấn đề trước mắt của họ là họ sẽ làm gì với công suất thép dư thừa của mình”.

H.Mĩ