Nhập khẩu thép từ Trung Quốc cao kỷ lục, đà phục hồi ngành thép trong nước vẫn chưa chắc chắn
Sức ép từ thép Trung Quốc
Theo số liệu của của Tổng Cục Hải quan, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc cao gấp hơn 2 lần so cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu tấn. Đồng thời đây là mức cao kỷ lục tính theo tháng. Thị trường này cũng chiếm tới hơn 70% lượng nhập khẩu thép của Việt Nam trong tháng 5.
Giá thép nhập khẩu bình quân trong tháng 5 là 638 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này thấp hơn hơn 100 USD/tấn so với giá trung bình mà Trung Quốc xuất khẩu sang tất cả thị trường khác.
Luỹ kế 5 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 4,7 triệu tấn thép từ Trung Quốc, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2023.
Làn sóng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp lo lắng, nhất là khi thị trường trong nước đang manh nha những dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của bất động sản.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép và bán hàng trong 4 tháng đầu năm cùng ở mức khoảng 9,3 triệu tấn tăng lần lượt 5,7% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa, lượng hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Trong đó, xuất khẩu thép tăng trưởng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) bước vào tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thị trường thép xây dựng nội địa đã rục rịch nóng dần lên khi một số nhà máy thông báo cắt hỗ trợ giá bán thép thanh vằn CB4, CB5 ở mức từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn, hoặc có nhà sản xuất cắt hỗ trợ từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn đối với hàng dân dụng, hoặc có doanh nghiệp tăng trực tiếp 50.000 đồng/tấn giá niêm yết thép thanh vằn D10-Gr40.
Mặc dù nguyên liệu đầu vào như phôi thép và thép phế đã duy trì diễn biến tăng giá từ đầu tháng 4 cho tới nay nhưng các nhà sản xuất vẫn rất thận trọng trong việc điều chỉnh giá bán thép xây dựng nội địa. Việc tăng giá thép xây dựng của các nhà sản xuất trong những ngày cuối tháng 4 diễn ra nhỏ lẻ, với phương thức điều chỉnh tăng giá khác nhau. Tuy nhiên đây được coi là những tín hiệu khởi đầu cho khả năng tăng giá đồng loạt trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn ngành vật liệu xây dựng hồi cuối tuần qua, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA đồng thời là Tổng Giám đốc của VNSteel, nhận định với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn lớn mà ông Đa nói đến đó là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Riêng trong 4 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tương đương 40% lượng thép sản xuất nội địa.
“Thêm vào đó, tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép”, ông Nghiêm Xuân Đa nói.
Mới đây, Bộ Công Thương khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Mã vụ việc AD19).
Thời kỳ điều tra hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2023.
Trước đó, ngày 11/5/2023, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên yêu cầu gồm 5 công ty là Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Ngoài mặt hàng tôn mạ, Bộ Công Thương đang cũng đang xem xét hồ sơ do các nhà sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) cung cấp về việc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bán phá giá tại Việt Nam. Theo đó, ngày 14/6, cơ quan điều tra đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và dự kiến trong 45 ngày tiếp theo sẽ thẩm định và ra quyết định điều tra vụ việc hay không.
Tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2024, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết việc thép HRC nhập khẩu nhiều hơn so với sản lượng trong nước là điều không thể chấp nhận.
“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, ông Long cho biết.
Ông dẫn số liệu của năm 2023 tổng sản lượng trong nước khoảng 6,7 triệu tấn HRC nhưng nhập khẩu 9,6 triệu tấn.
Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại
Trước những khó khăn hiện nay, VSA đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.
Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.
Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…
VSA đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết cơ quan nàyđã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật.