|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu ồ ạt, Trung Quốc lại đang quá dư thừa đậu tương

14:33 | 09/08/2017
Chia sẻ
Tình trạng bán lại đậu tương sau khi nhập nhập khẩu ồ ạt đang diễn ra tại Sơn Đông, thủ phủ chế biến đậu nành của Trung Quốc.
nhap khau o at trung quoc lai dang qua du thua dau tuong
Tình trạng dư thừa đậu tương đang diễn ra ở Trung Quốc

Hai công ty nhập khẩu lớn của Trung Quốc đã bán lại hơn 500.000 tấn đậu tương trong vài tuần gần đây, các nguồn tin có liên quan cho biết. Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn vẫn đang diễn ra ở các cảng biển chuyên nhập khẩu đậu tương của nước này.

Việc bán lại này tuy diễn ra đơn lẻ nhưng gây ra lo ngại các hợp đồng khác có thể bị bán lại. Các công ty nhập khẩu đậu nành bị thiệt hại lớn do nguồn cung dư thừa và tình trạng tắc nghẽn ở cảng Rizhao (Sơn Đông), trung tâm chế biến đậu nành hàng đầu của Trung Quốc.

Ba năm trước, cũng diễn ra hoàn cảnh tương tự khi các công ty nhập khẩu đậu tương có tồn kho cao và kinh doanh thua lỗ. Các công ty này đã bán phá giá hàng trăm triệu USD đậu nành để tránh bị lỗ vốn.

Từ cuối tháng 2 đến nay, các công ty chế biến đậu nành ở Sơn Đông đều bị lỗ. Hiện tại, họ đang bị lỗ 83 NDT cho mỗi tấn đậu nành được chế biến, trong khi tồn kho sữa đậu nành đang ở mức cao nhất 6 năm.

Trong các vụ bán lại đậu nành gần đây, Công ty nhập khẩu Shandong Sunrise Group đã bán từ 4 đến 5 đơn hàng trở lại thị trường. Còn Tập đoàn Shandong Sanwei Oil & Fat Group đã bán lại 3 đơn hàng. Theo dữ liệu hải quan, 8 đơn hàng này tương đương với 520.000 tấn đậu nành, có giá trị khoảng 210 triệu USD.

Thắt chặt tín dụng

Theo một số nhà giao dịch, việc bán lại này có thể do tín dụng bị thắt chặt. Hàng hóa đôi khi được chuyển trước khi các công ty nhập khẩu nhận được thư tín dụng (L/C). L/C do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của công ty nhập khẩu, cam kết với bên bán về việc sẽ thanh toán một khoản tiền nhất định vào một thời gian được ấn định trong tương lai. Tuy nhiên, một số công ty nhập khẩu đang có vấn đề về tín dụng và không được cấp L/C.

Rất khó để biết được các ngân hàng ở Trung Quốc đang thắt chặt tín dụng ở lĩnh vực nào. Bắc Kinh đã quyết định hạn chế một số lĩnh vực cho vay sau khi nợ tăng lên nhanh chóng hồi năm 2016.

Xu hướng này gây ra lo ngại nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể giảm xuống. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Hôm 13/7, Trung Quốc đã ký thỏa thuận nhập khẩu 12,53 triệu tấn đậu nành từ Mỹ. Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn chưa xác định giá cả và thời gian cụ thể.

Cảng biển vẫn bị tắc nghẽn

Dữ liệu vận chuyển hàng của Thomson Reuters Eikon cho biết, có 17 tàu chở hàng đang chờ giao hàng tại Cảng Rizhao. Các nhà giao dịch cho biết, phần lớn số hàng đó đều là đậu nành.

Tàu Adelante đã chờ ở đó từ cuối tháng 5, trong khi Tàu Great Victory cũng neo ở cảng này từ giữa tháng 7 mà chưa thể giao hàng. Hai tàu này đang chở khoảng 130.000 tấn đậu tương với giá trị khoảng 45 triệu USD.

Việt Anh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.