|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu HRC tăng mạnh nửa đầu năm và bài toán khó của ngành thép

11:36 | 19/07/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh nguồn cung trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thì việc nhập khẩu được xem là điều tất yếu. Tuy nhiên, điều này lại xung đột lợi ích với các doanh nghiệp sản xuất HRC. Do đó, đây là một bài toán khó mà ngành thép cần giải quyết.

Vì sao thép HRC nhập khẩu tăng mạnh trong nửa đầu năm?

Trong 6 tháng đầu năm, lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh đạt gần 5,3 triệu tấn, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là nhu cầu thép HRC trong nước tăng cao trong thời gian qua. Hoạt động sản xuất tiêu thụ của các dòng thép hạ nguồn sử dụng nguyên liệu đầu vào HRC như tôn mạ, ống thép phục hồi mạnh trở lại khiếntổng nhu cầu HRC của sản xuất trong nước tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái,đạt khoảng 7,4 triệu tấn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, bán hàng tôn mạ tăng 35% trong nửa đầu năm nay lên 2,7 triệu tấn. Ngoài ra, tiêu thụ thép cán nguội cũng ghi nhận mức tăng tương tự lên 1,2 triệu tấn. Tiêu thụ mạnh ở các mặt hàng này một phần doChính phủ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến chính sách lĩnh vực bất động sản.

Nhu cầu tăng trong khi khả năng sản xuất trong nước từ hai doanh nghiệp là Hoà Phát và Formosa cung ứng ra thị trường nội địa khoảng 2,1 triệu tấn (mới đạt 30% nhu cầu tiêu thụ), khiến nhập khẩu thép tăng.

Nguồn: Dữ liệu Hải quan và Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước cũng đã diễn ra nhiều năm. Điển hình như nhu cầu HRC trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11,5 triệu tấn và 11,6 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm.

Giả định Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, hai doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam, nâng tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không xuất khẩu thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.

Và ngay cả Hoà Phát cũng nhập khẩu thép HRC cho các nhà máy sản xuất tôn mạ, ống thép của mình. Lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc của các công ty con của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 9.776 tấn và 305.400 tấn.

Tại sao là thép Trung Quốc?

Sản xuất trong nước không đáp ứng, nhập khẩu là điều đương nhiên, nhưng tại sao lại nhập phần lớn HRC từ Trung Quốc. Vấn đề và cũng là lý do quan trọng nhất là nguồn cung lớn.

Trung Quốc hiện là quốc gia chiếm một nửa sản lượng thép của toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và ngành bất động sản vẫn chưa phục hồi, nước này dư thừa một lượng lớn thép. Các nhà máy phải duy trì công suất trong khi tiêu thụ thép nội địa chậm dẫn đến họ phải đẩy mạnh việc xuất khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Trung Quốc, lượng thép xuất khẩu của nước này trong nửa đầu năm nay tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái lên 53,4 triệu tấn. Trong cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu thép của Trung Quốc cũng đã tăng tới 31%.

Lượng thép này chủ yếu xuất khẩu sang các khu vực ít có rào cản thương mại như Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ,…Và Việt Nam cũng là một trong những điểm đến của thép Trung Quốc. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho biết lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác giảm 165.632 tấn so với cùng kỳ năm 2023 cũng là góp phần khiến các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bù đắp phần thiếu hụt này.

Thế khó trong ngành thép 

Việc nhập khẩu thép HRC tăng cao khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước lo ngại về những tác động về thị phần trong tương lai.

Theo Hoà Phát, thị phần bán hàng nội địa của hai nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023 vì ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu. Thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023. 

Hai nhà sản xuất HRC trong nước lo ngại về xu hướng nhập khẩu HRC có thể tiếp tục tăng trongbối cảnh khủng hoảng thừa của Trung Quốc.

Hồi tháng 3, Hoà Phát và Formosa đã gửi đơn lên Cục Phòng vệ Thương mại yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc. Vụ việc vẫn đang được cơ quan này xem xét và dự kiến sẽ đưa ra quyết định có điều tra hay không vào cuối tháng 7.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép và các doanh nghiệp hạ nguồn khác, thép HRC nhập khẩu đóng vai trò quan trọng không những về giá cả mà còn đặt trong bối cảnh năng lực sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các doanh nghiệp này lo ngại rằng nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc thì mặt bằng giá nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên vì cộng thêm tiền thuế chống bán phá giá, và như vậy nguồn cung HRC từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm xuống. Trong khi đó, cung HRC nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hiện không đáp ứng được nhu cầu HRC của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại diện nhóm doanh nghiệp này cho rằng việc này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là nguồn cung HRC vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu sẽ càng thiếu hụt. Đồng thời, theo quy luật cung cầu, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chắc chắn sẽ tăng thêm bằng mức thuế chống bán phá giá so với mặt bằng giá HRC khi không có thuế chống bán phá giá.

"Như vậy nếu áp thuế nhập khẩu, mặt bằng giá HRC trong nước tăng lên kéo theo giá tôn mạ, ống thép cũng tăng nên không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu", đại diện một doanh nghiệp sản xuất tôn mạ chia sẻ với chúng tôi. 

Khi giá HRC đầu vào tăng sẽ khiến giá bán các thành phẩm của nhóm doanh nghiệp tôn mạ tăng cao không những khó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài mà còn khiến cho người tiêu dùng trong nước chịu thiệt thòi khi chi phí xây dựng trở nên đắt đỏ hơn.

Đây chính là bài toán khó mà các bên bao gồm cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cùng đi tìm lời giải.

H.Mĩ