|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bán hàng thép HRC giảm ba tháng liên tiếp, thị phần doanh nghiệp nội thu hẹp

12:20 | 18/07/2024
Chia sẻ
Đến tháng 6, bán hàng thép HRC đã tiếp tục suy giảm ba tháng liên tiếp trong khi xuất khẩu ghi nhận 4 tháng giảm mạnh. Tính chung nửa đầu năm nay, lượng tiêu thụ mặt hàng này vẫn ở mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm sâu.

Bán hàng HRC vẫn duy trì ở mức nền thấp

Trong tháng 6, tình hình bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC) của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp tục nối dài chuỗi 3 tháng giảm liên tiếp (so với cùng kỳ năm trước) trong khi xuất khẩu ghi nhận 4 tháng giảm liên tiếp.

Lượng bán hàng đạt hơn 550.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu HRC giảm khoảng 50% xuống 154.000 tấn (tháng trước giảm 65%). Tuy nhiên, sản lượng tăng 39% lên gần 585.000 tấn do đó, khoảng 35.000 tấn HRC được bổ sung vào hàng tồn kho. 

Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng bán hàng gần như tương đương so với mức nền thấp của cùng kỳ ngoái, đạt 3,3 triệu tấn trong khi sản xuất đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng nhẹ 4,4%. Như vậy, nửa đầu năm nay các doanh nghiệp bổ sung khoảng 100.000 tấn HRC vào hàng tồn kho.

Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung bán hàng ở thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn. Theo đó, xuất khẩu trong 6 tháng giảm 26% xuống khoảng 1,2 triệu tấn, chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% tổng lượng bán hàng. 

 Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Hiện tại Việt Nam mới chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC là Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện của một trong hai doanh nghiệp sản xuất HRC, cho biết lượng hàng nhập khẩu tràn vào Việt Nam quá lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc với giá rẻ, khiến việc tiêu thụ HRC trở nên khó khăn.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 5,7 triệu tấn. Trong đó, thép HRC chiếm phần lớn, trên 70%.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long bày tỏ quan điểm phản đối việc nhập khẩu thép HRC nhiều hơn so với sản lượng trong nước.Ông dẫn số liệu của năm 2023 tổng sản lượng trong nước khoảng 6,7 triệu tấn HRC nhưng nhập khẩu 9,6 triệu tấn.

“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, ông Long cho biết.

Trước đó, hồi tháng 3, Hoà Phát và Formosa đã gửi đơn lên Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Vụ việc này hiện đang được Cục Phòng vệ Thương mại xem xét hồ sơ để quyết định có khởi kiện hay không. 

Theo Hoà Phát, thị phần bán hàng nội địa của hai nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023.

Dự kiến đà nhập khẩu năm 2024 tiếp tục tăng mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng thừa của Trung Quốc. Với lượng nhập khẩu chưa từng có trong lịch sử, sản xuất trong nước bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao của ngành thép đã xây dựng trong 10 năm qua. 

Tuy nhiên, việc khởi kiện hoặc xa hơn là áp thuế phòng vệ thương mại gây bất lợi cho các doanh nghiệp thép hạ nguồn sử dụng HRC làm nguyên liệu như tôn mạ, ống thép, vật liệu chế tạo. 

Nguồn cung đang không đáp ứng được nhu cầu

Các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép cho biết trong 6 tháng đầu năm nay tổng nhu cầu HRC phục vụ cho các ngành khoảng 7,4 triệu tấn tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, nguồn cung trong nước (sau khi trừ xuất khẩu) khoảng 2,1 triệu tấn nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu gần 5,3 triệu tấn HRC từ các thị trường để sản xuất. Con số này tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. 

"Như vậy, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng là điều tất yếu vì nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu, và các quốc gia khác giảm xuất khẩu HRC vào Việt Nam", các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép cho biết. 

Các doanh nghiệ này cần nguồn cung HRC nội địa nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu khó tính, đảm bảo yêu cầu về xuất xứ như Mỹ, Canada, Mexico. 

Hiện tại, công suất thiết kế của Formosa là khoảng 5 triệu tấn/năm còn Hoà Phát hiện khoảng 3 triệu tấn. Như vậy nếu chạy hết công suất, sản lượng tối đa hiện tại khoảng 8 triệu tấn HRC, trong khi nhu cầu HRC trung bình các năm khoảng 11 triệu tấn. 

Hoà Phát đang triển khai dự án Dung Quất 2. Sau khi hoàn thành thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn.

Như vậy, tổng sản lượng tối đa của Hoà Phát và Formosa là hơn 13 triệu tấn/năm nếu chạy hết công suất của các nhà máy. 

H.Mĩ