|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu thép trong mùa xây dựng thấp hơn so với kỳ vọng

08:27 | 17/07/2024
Chia sẻ
Trong tháng 6, lượng sản xuất - bán hàng đạt lần lượt 973 nghìn tấn và 958 nghìn tấn, giảm 9,5% - 13% so với tháng 5.

Trong báo cáo mới đây Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lượng hàng sản xuất - tiêu thụ trong tháng 6 giảm so với tháng trước phản ánh rõ về nhu cầu thép trong nước vào mùa xây dựng chậm hơn so với kỳ vọng.

Cụ thể, trong tháng 6, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 973 nghìn tấn, giảm 9,5% so với tháng trước nhưng tăng 31,8% so với tháng 6/2023.

Bán hàng thép xây dựng đạt gần 958 nghìn tấn, giảm 13% so với tháng 5 nhưng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo VSA, tính chung nửa đầu năm nay, sản xuất thép xây dựng đạt gần 5,8 triệu tấn tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng thép xây dựng đạt 5,8 triệu tấn tăng 14,7% so với cùng kỳ.

“Các tháng 6 - 8 là giai đoạn mùa mưa, không thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên nhu cầu sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng cũng yếu”, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chia sẻ với Vietnamplus.

Nguồn: VSA

Theo VSA, nhìn chung, lượng hàng xuất trong tháng 6 giảm so với tháng trước phản ánh rõ về nhu cầu thép trong nước vào mùa xây dựng chậm hơn so với kỳ vọng. Lượng thép xuất bán trên chủ yếu cung cấp cho các công trình, mảng dân dụng vẫn còn ở mức thấp. Lượng hàng nội địa tăng trong tháng 4 và 5 duy trì ở mức cao hơn so với bình quân trong năm 2023, nhưng lại sụt giảm trong tháng 6. Các nhà máy đẩy mạnh lượng xuất khẩu để cân đối sản xuất và tiêu thụ, trong đó xuất khẩu ngoài thị trường Campuchia còn hưởng đến các thị trường khác...

Việc cạnh tranh để bảo vệ thị phần hay xâm lấn thị phần giữa các nhà máy bao gồm cả hàng nhập khẩu từ các nhà thương mại khiến thị trường gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu sử dụng nội địa thép ở mức thấp không như kỳ vọng của mùa xây dựng.

Không chỉ vậy, giá nguyên vật liệu giao dịch trong tháng 6 đều giảm so với tháng 5, trong đó, giá quặng sắt, than mỡ, phế liệu và giá phôi thép giao dịch Đông Nam Á đều giảm. Giá thép xây dựng điều chỉnh nhẹ, không đổi so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thép trong nước yếu.

Tập đoàn Hòa Phát đang là doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng chiếm thị phần lớn nhất trong 6 tháng đầu năm với 38,26% thị phần. Tiếp đó là các doanh nghiệp như VNSteel, Việt Đức, Vinakyoei, Formosa Hà Tĩnh,…

 

 Nguồn: VSA

 

Theo ông Phạm Công Thảo, nửa cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ một số yếu tố tích cực như kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Mặt khác, Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo tiền đề để nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tiếp đà phục hồi, phát triển.

Còn theo VSA dự đoán, trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng tiếp tục hồi phục nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy. Trong đó, ngành thép xây dựng tăng 7,34%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 – 2024.

Cao Khoa