|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc tăng đột biến

07:21 | 25/07/2024
Chia sẻ
Lượng tiêu nhập khẩu của Trung Quốc tăng gấp đôi so với tháng 5. Tuy nhiên, giá nhập khẩu giảm nhẹ, khoảng 7%.

Trong tháng 6, lượng tiêu nhập khẩu của Trung Quốc tăng đột biến. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu hơn 2.000 tấn tiêu, gấp 2,5 lần so tháng 5 và tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Nguồn: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Trong số các nguồn cung cấp tiêu cho Trung Quốc từ nước ngoài, Indonesia chiếm hơn một nửa với 1.375 tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho Trung Quốc theo đường chính ngạch trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm. 

Lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam theo thống kê của Hải quan Trung Quốc là 477 tấn trong tháng 6, tăng 28% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn nhiều so với số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia Vị Việt Nam (VPSA) với 2.582 tấn do chỉ tính số chính ngạch. 

Giá tiêu nhập khẩu trung bình vào thị trường Trung Quốc trong tháng 6 là hơn 4.400 USD/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 7,4% so với tháng 5. 

  Nguồn: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Trung Quốc không còn là khách hàng tiêu thụ tiêu lớn nhất của Việt Nam

Xét theo số liệu chính ngạch, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc (sau Indonesia) trong nửa đầu năm nay với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 32,7%, giảm nhẹ so với mức 36,5% của cùng kỳ năm ngoái. 

Còn theo số liệu từ VPSA, mức giảm trong xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc thậm chí còn mạnh hơn. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 85% xuống 7.453 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh từ 33% xuống còn 5,3%. 

Trung Quốc từ khách hàng tiêu thụ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm ngoái thì đến năm nay tụt xuống vị trí số 5.

 Nguồn: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Năm nay các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào Mỹ và EU khi lượng xuất khẩu sang các thị trường này trong nửa đầu năm tăng mạnh. 

Cụ thể, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm đạt 37.252 tấn, trị giá 170,7 triệu USD, tăng tới 43,8% về lượng và 65,2% về trị giá. Kết quả này đã đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 26,3%, cao hơn nhiều so với con số 17% của cùng kỳ năm ngoái. 

Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Đức tăng gấp 2 lần về lượng và 2,56 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9.598 tấn, trị giá 48 triệu USD.

 Nguồn: VPSA (H.Mĩ tổng hợp )

Nguồn cung cạn hơn nhiều so với dự kiến

Hiện tại, nguồn cung hồ tiêu tại Việt Nam đã cạn dần do sản lượng vụ năm nay giảm. Theo VPSA, sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam ước tính chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Nguyên nhân là nhiều nông dân chặt bỏ cây hồ tiêu khi giá rớt cách đây 4 năm trước (giá tiêu xuống chỉ 40.000 đồng/kg) để trồng những cây có lợi ích kinh tế hơn như sầu riêng, cà phê... Thêm vào đó, tình hình thời tiết nắng nóng và khô hạn bất thường cũng khiến sản lượng giảm mạnh.

Còn ở chiều tiêu thụ, tính đến cuối tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 140.000 tấn, chiếm khoảng 83% trong tổng sản lượng dự kiến sẽ xuất khoảng 170.000 tấn trong năm nay. 

“Như vậy, vẫn còn 7-8 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới (dự kiến sau Tết nguyên đán từ tháng 2/2025) trong khi lượng hàng còn trong dân và đại lý, doanh nghiệp không còn nhiều như VPSA nhận định trước đây. Một số chuyên gia nhận định dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu trên thế giới sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt.”, VPSA nhận định.

H.Mĩ