Hồ tiêu Việt Nam chiếm 61,5% thị phần tại EU
Nhập khẩu hồ tiêu tại EU đang có dấu hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm 2024 sau khi sụt giảm vào năm ngoái.
Số liệu của Eurostat cho thấy, EU đã nhập khẩu 18.474 tấn hồ tiêu từ thị trường ngoại khối trong 4 tháng đầu năm, trị giá 83,7 triệu EUR, tăng 22,9% về lượng và 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng trong tháng 4, lượng hồ tiêu nhập khẩu vào EU đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, với 5.440 tấn, tăng 22,7% so với tháng trước và tăng gần 40% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp nhập khẩu tiêu của EU tăng so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường cung cấp, EU đã nhập khẩu tổng cộng 11.359 tấn hồ tiêu từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với trị giá hơn 48,5 triệu EUR, tăng 25,1% về lượng và 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu cho EU với thị phần chiếm 61,5% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực.
Nhập khẩu tiêu của EU từ các thị trường khác cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm như: Brazil đạt 3.443 tấn, tăng 25,3%; Indonesia đạt 1.384 tấn, tăng 32,2%; Ấn Độ đạt 952 tấn, tăng 9,9%.
Giá tiêu nhập khẩu bình quân của EU từ Việt Nam đạt 4.273 EUR/tấn, từ Brazil là 3.665 EUR/tấn, Indonesia 5.509 EUR/tấn, riêng Ấn Độ đạt 6.646 USD/tấn.
Ngoài mức giá cạnh tranh, doanh nghiệp xuất khẩu của tiêu của Việt Nam đang có lợi thế hơn một số nước xuất khẩu như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,… nhờ Hiệp định EVFTA, giúp giảm thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền sang EU giảm từ 4% còn 0%.
Trong 4 tháng đầu năm, các nước nhập khẩu tiêu hàng đầu trong khối EU gồm Đức đạt 5.829 tấn, chiếm 31,6% thị phần; Hà Lan 4.588 tấn, chiếm 24,8%; Pháp 2.827 tấn, chiếm 15,3%... Ba quốc gia kể trên chiếm 71,7% tổng lượng hồ tiêu nhập khẩu của EU từ thế giới.
Bên cạnh tiêu thụ nội địa, các nhà nhập khẩu cũng tái xuất khẩu một phần đáng kể hồ tiêu sang các nước khác trong khu vực.
Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng cao nên nhập khẩu hồ tiêu của EU từ thị trường ngoại khối chỉ đạt 50.264 tấn, trị giá 217,4 triệu EUR, giảm 20,4% về lượng và giảm 30,4% về trị giá so với năm 2022.
Theo Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), châu Âu không sản xuất hồ tiêu nên tiêu thụ của khu vực chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.
Cơ quan này cũng cho biết, có đến 95% lượng hồ tiêu nhập khẩu vào EU được tiêu thụ tại các nước trong khu vực và chỉ 5% trong số đó được tái xuất sang các nước ngoài châu Âu.
Tiêu thụ tiêu đen tại châu Âu được cho là sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, với mức tăng dự kiến vào khoảng 0,5% năm 2023 và 1,8% trong năm 2024.
CBI dự báo nhập khẩu hồ tiêu của các nước châu Âu sẽ tăng trưởng 1-2% mỗi năm. Thị trường châu Âu mang lại lợi thế về giá so với các thị trường châu Á đối với tiêu đen chất lượng cao và được sản xuất bền vững.
Trong khi đó, Bộ Công Thương dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết EU là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, ngành hồ tiêu phải đi theo hướng sản xuất bền vững, bởi ngày càng nhiều người tiêu dùng châu Âu yêu cầu các chứng nhận đảm bảo sản phẩm có tính bền vững.
Gầy đây, yêu cầu và quy định của thị trường EU về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng và ngày càng khắt khe. Thị trường này cũng liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung, trong đó bao gồm cả gia vị của Việt Nam.
Hiện nay EU đã ban hành hơn 500 tiêu chí về MRL và tiếp tục ngày càng có nhiều tiêu chí mới ban hành. Những tiêu chí ban hành sau ngày càng khó khăn, ngặt nghèo hơn. Đồng thời diện hoạt chất được cho phép quy định tồn lưu cũng rộng hơn.