Giá tiêu khó giảm xuống 140.000 đồng/kg
Giá tiêu điều chỉnh sau đợt tăng quá nhanh và mạnh
Giá tiêu vừa trải qua đợt giảm sâu và chóng vánh. Hôm 16/6, giá tiêu giao dịch ở mức 157.000 đồng/kg, giảm 13% so với mức đỉnh hơn 8 năm là 180.000 đồng/kg thiết lập cách đó ba ngày. Tính đến ngày 19/6, giá tiêu phục hồi nhẹ lên 160.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco), cho rằng cú giảm vừa rồi là do thời gian qua giá tiêu tăng quá sốc lên mốc 180.000 đồng/kg và cần có một sự điều chỉnh xuống.
“Thực tế khi giá đạt 180.000 đồng/kg, người mua gần như đứng ngoài. Do đó, việc điều chỉnh giá xuống 160.000 đồng/kg là điều hợp lý”, ông nói. Tuy nhiên, theo ông giá tiêu khó lòng giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg vì nguồn cung hiện đang eo hẹp.
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu năm nay có thể ở mức 170.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, mới qua 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 114.000 tấn, tương đương 67% sản lượng. “Thậm chí khả năng giá tiêu giảm xuống mức 130.000 - 140.000 đồng/kg cũng là điều khó. Vụ tiêu năm nay mất mùa. Khi giá tiêu lên đạt 110.000 - 120.000 rất nhiều người đã bán ra. Do đó, nguồn cung hiện tại rất ít, có hiện tượng chậm giao hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Huy nhận định.
Xuất khẩu tiêu có thể giảm mạnh vì tồn kho thấp
Theo ông Huy, những tháng tới lượng xuất khẩu có thể giảm mạnh vì hàng tồn kho chỉ còn ít. Ngoài ra, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay cùng với diện tích trồng, nguồn cung tiêu trong năm tới cũng vẫn là một thách thức.
“Trong 4 năm qua, không có ai trồng thêm tiêu cả, do đó, diện tích bị thu hẹp kéo theo sản lượng giảm. Với tình hình khô hạn như hiện nay, việc tăng sản lượng tiêu cho năm sau cũng là thách thức lớn”, ông nói.
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê và cây gia vị Việt Nam diễn ra hồi tháng 4, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, một trong những nguyên chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.
Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán.
“Nhìn về dài hạn trong 3-5 năm tới lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới” bà Liên nói.
Nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu tại hạt tiêu tại các thị trường vẫn đang duy trì ở mức cao. Theo số liệu của VPSA, hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 5 đạt 31.357 tấn với kim ngạch thu về 141 triệu USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 21% về kim ngạch so với tháng trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại với khối lượng đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng.
Điều này kéo theo giá tiêu xuất khẩu vẫn tiếp tục duy trì đà tăng lên mức đỉnh 2 năm. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đạt 4.197 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD đối với tiêu đen và 849 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Hiện nguồn cung hạt tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.
“Mặc dù giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng cơ quan quản lý khuyến cáo không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hạt tiêu phát triển bền vững và ổn định”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.