|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 30/6: Tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ 820 điểm

07:18 | 30/06/2020
Chia sẻ
Hoạt động chốt NAV bán niên của các quĩ có thể tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số cổ phiếu và làm “nhiễu” tín hiệu của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.

Thị trường trong nước tiếp tục tiếp tục giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, mạch giảm tương đương hồi giữa tháng 3 vừa qua. Áp lực bán lên cao khi chỉ số VNIndex không giữ được mức đáy giữa tháng 6 trong khi khối ngoại cũng bán ròng.

Đóng cửa, VN-Index giảm 22,62 điểm xuống 829,36 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 20,72 điểm còn 774,81 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 53 mã tăng/358 mã giảm, ở rổ VN30 có hai mã tăng, 28 mã giảm và không có mã nào giữ tham chiếu.

Thanh khoản tăng lên 4.400 tỉ đồng so với mức bình quân 4.100 tỉ đồng trong tuần trước, việc thanh khoản tăng cho thấy người bán phải hạ giá thấp để tìm lực cầu bắt đáy và nguy cơ phải cắt lỗ các vị thế T+. Giao dịch khối ngoại không mấy tích cực khi tiếp tục bán ròng với tổng giá trị 150 tỉ đồng.

Thị trường giảm mạnh do yếu tố kỹ thuật hơn là các thông tin tác động cả trong và ngoài nước. Việc chỉ số VN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ giữa tháng 6 (832 điểm) có thể đã khiến áp lực bán lên cao.

Bên ngoài, các chỉ số tương lai của thị trường Mỹ đi ngang thậm chí tăng trong phiên, thị trường châu âu cũng mở cửa trong sắc xanh.

Ở trong nước, việc tăng trưởng GDP dương là tin tích cực, mặc dù thấp nhất trong lịch sử thống kê nhưng so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới thì mức tăng khiêm tốn của Việt Nam vẫn là ấn tượng trong quí II này.

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 30/6:

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 30/6: Tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ 820 điểm - Ảnh 1.

Nguồn: Chứng khoán Yuanta

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ quanh 840 điểm, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780 - 820 điểm trong ngắn hạn. Trong quá trình giảm điểm, chỉ số có thể xuất hiện đan xen các phiên hồi phục kĩ thuật.

Hoạt động chốt NAV bán niên của các quĩ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số cổ phiếu và làm “nhiễu” tín hiệu của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.

Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh phiên hôm qua khi GDP Việt Nam trong quí II/2020 ghi nhận mức thấp kỉ lục. 

Xu hướng giảm có thể được xác nhận trong ngắn hạn khi chỉ số VN-Index điều chỉnh dưới đường trung bình động 50 kì. Rủi ro điều chỉnh gia tăng trước áp lực bán. Vì thế, nhà đầu tư cần giảm tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục và đứng ngoài quan sát.

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Lực cầu bắt đáy có thể gia tăng trong phiên tới khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng quá bán ngắn hạn và chỉ số VN-Index giao dịch quanh đường trung bình 50 ngày. 

Đồng thời, chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps cũng giảm về gần các vùng hỗ trợ quan trọng cho nhịp sóng điều chỉnh trung hạn cho nên dòng tiền đầu cơ có thể sẽ gia tăng ở những phiên tới. 

Ngoài ra, tâm lí nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tỏ ra bi quan hơn với xu hướng hiện tại và giảm sát về vùng bi quan quá mức.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ánh Hường

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.