|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục suy yếu

09:14 | 22/10/2018
Chia sẻ
Các nhà chiến lược tiền tệ dự báo đồng nhân dân tệ vốn đang suy yếu của Trung Quốc cuối cùng sẽ xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng và rơi vào một chu kỳ suy giảm mới thậm chí còn nhanh hơn. Điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới những lời chỉ trích mới từ chính quyền của ông Trump.
nhan dan te se con tiep tuc suy yeu Lời cảnh báo cuối cùng của Mỹ đối với Trung Quốc
nhan dan te se con tiep tuc suy yeu Nhân dân tệ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017

Mặc dù trong Báo cáo ngoại hối bán niên được công bố giữa tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ không gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc, song vẫn giữ nước này trong danh sách giám sát cùng với một số quốc gia khác.

nhan dan te se con tiep tuc suy yeu
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trong một thông báo rằng, sự thiếu minh bạch và sự suy yếu của đồng nội tệ của Trung Quốc là “những thách thức lớn để đạt được thương mại công bằng và cân bằng hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá thực tế tiền tệ của Trung Quốc, bao gồm cả việc tiếp tục thảo luận với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)”.

Về lý thuyết, việc đồng nhân dân tệ suy yếu có thể hỗ trợ Trung Quốc chống lại một số tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ bởi vì nó khiến cho giá hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn khi được định giá bằng đồng USD, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu.

Trên thực tế đồng nhân dân tệ đã giảm tới 9% so với đồng USD trong vòng 6 tháng qua. Còn tính từ đầu năm, đồng nội tệ của Trung Quốc đã để mất khoảng 6% giá trị. Trong phiên giao dịch hôm 18/10, tức chỉ một ngày sau khi Báo cáo ngoại hối bán niên của Bộ Tài chính Mỹ được công bố, đồng nhân dân tệ tiếp tục rớt mạnh khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo. Thậm chí có thời điểm đồng nhân dân tệ đã rơi xuống mức 6,94 nhân dân tệ/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.

Các nhà chiến lược cho rằng, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một yếu tố đẩy đồng USD tăng giá và làm suy yếu đồng nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ bắt đầu giảm mạnh vào tháng Sáu khi căng thẳng thương mại bùng phát. Tuy nhiên, theo các nhà chiến lược tiền tệ, vẫn còn những yếu tố khác đã làm suy yếu nhân dân tệ và phần lớn trong số đó là các yếu tố xuất phát từ nội tại nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả sự sụt giảm mạnh về giá cổ phiếu. Chứng khoán Thượng Hải giảm 2,9% trong phiên ngày 18/10, nâng mức giảm từ đầu năm lên 25%.

Jonas David - nhà chiến lược thị trường mới nổi tại văn phòng đầu tư của UBS Global Wealth Management nói rằng, sự suy giảm của đồng nhân dân tệ một phần cũng bởi sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc. “Chúng tôi thấy rõ một nền kinh tế đang giảm tốc. Chúng tôi thấy chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục được nới lỏng”, ông nói.

Hiện thị trường đang theo dõi xem liệu đồng nhân dân tệ có xuyên thủng ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD trong thời gian tới hay không, bởi đây là một ngưỡng tâm lý quan trọng và điều này đã không xảy ra trong 10 năm qua. “Đó là một “đường đỏ” bởi vì đó là ngưỡng tâm lý và cũng bởi vì Trung Quốc trước đây dường như bảo vệ mức giá này”, Marc Chandler – Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex nói. Ông cho biết, việc nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng 7 là có khả năng, nhưng sẽ không xảy ra cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ vào tháng 11 tới để thảo luận về vấn đề thương mại.

Một số chiến lược gia tiền tệ cũng cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn sự suy giảm của đồng nhân dân tệ bởi việc đồng tiền giảm quá mức cũng có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và kích thích dòng vốn chảy mạnh hơn ra khỏi nước này. Nhưng một số khác lại nói rằng Trung Quốc cũng có thể để cho đồng nhân dân tệ rơi xuống mức 7 nhân dân tệ/USD vào cuối năm nay hoặc năm sau.

“Thông thường, nó được xem là ngưỡng tâm lý quan trọng. Nhưng thực tế cho thấy đồng nhân dân tệ đã giảm từ mức 6,3 (nhân dân tệ/USD) xuống mức 6,9 (nhân dân tệ/USD) mà vẫn không có dấu hiệu dòng vốn chảy mạnh ra khỏi Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng PBoC tin tưởng họ có thể kiểm soát (đồng nhân dân tệ) tiếp tục giảm xuống dưới mức 7 mà không có sự suy giảm bất ổn”, Chang Liu - kinh tế gia Trung Quốc tại Capital Economics nói.

Song cũng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng hỗ trợ đồng nhân dân tệ. Dữ liệu tháng 9 từ PBoC cho thấy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cố gắng hạn chế đà giảm của đồng nội tệ. “Họ bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng nhân dân tệ... khoảng 17 tỷ USD dự trữ, mức lớn nhất kể từ đầu năm 2017”, Liu nói.

Trong khi David của UBS dự báo nhân dân tệ sẽ rơi xuống mức 7,10 nhân dân tệ/USD trong 6 tháng tới và tiếp tục giảm xuống mức 7,30 nhân dân tệ/USD trong vòng 1 năm tới. “Theo quan điểm của chúng tôi, không có lý do gì để đà giảm của đồng nhân dân tệ Trung Quốc sẽ dừng lại ở mức 7. Đó là một mức tâm lý, nhưng chúng tôi thực sự nghĩ rằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu”, David nói.

Liu cho rằng, đồng nhân dân tệ yếu hơn đã giúp Trung Quốc tránh được ảnh hưởng xấu nhất của thuế quan thương mại. “Cho đến nay chúng tôi nghĩ rằng tác động của thuế quan Mỹ ít nhiều được bù đắp bởi sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy tác động tăng vọt vào năm tới, khi thuế quan được nâng lên. Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, nhưng chủ yếu do yếu tố nội tại, các nhà hoạch định chính sách đã thắt chặt chính sách từ năm 2016 đến đầu năm nay”, ông nói và thêm rằng, sự suy giảm tín dụng đã có tác động đến nền kinh tế.

Nhưng kể từ tháng 5, ông cho biết, đã có sự thay đổi về quan điểm và Trung Quốc hiện đang sử dụng kích thích để thúc đẩy nền kinh tế và khuyến khích tín dụng ngân hàng. Tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,6% từ mức 6,7% của quý trước.

Xem thêm

Mai Ngọc

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.