|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CNY giảm giá, tăng nguy cơ hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam?

08:47 | 21/10/2018
Chia sẻ
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đồng CNY giảm giá mạnh khiến Việt Nam chịu áp lực rất lớn trong việc hạn chế hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.
cny giam gia tang nguy co hang trung quoc gia re tran vao viet nam Mumuso bị xử lý ra sao khi nhập hàng Trung Quốc, gắn mác Hàn?

Để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

cny giam gia tang nguy co hang trung quoc gia re tran vao viet nam
Cần tiếp tục chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT)

Trong bối cảnh diễn biến thị trường thế giới có những biến động khó lường thì sự chỉ đạo trong điều hành của Chính phủ là hết sức hợp lý và cần thiết. Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cần phải thực hiện một số mục tiêu. Trong đó, việc ổn định tiền đồng và linh hoạt để hỗ trợ ổn định kinh tế là hai mục tiêu mà từ trước đến giờ NHNN vẫn theo đuổi và rất linh hoạt để điều chỉnh tỷ giá và tiến tới có một chính sách tỷ giá hợp lý.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, những biến chuyển trên thị trường tài chính thế giới rất mạnh và nhanh, do đó NHNN cần linh hoạt, theo dõi chặt chẽ tình hình để có những quyết sách và chỉ đạo phù hợp.

Về vấn đề tỷ giá, ông Hiếu quan ngại, từ tháng 4 đến nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) tiếp tục bị mất giá. Với sự phá giá đồng CNY mạnh như vậy, Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn dẫn đến việc phải phá giá VND để hạn chế hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.

“Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm nay, điều này cũng làm tăng giá trị của đồng USD, gây áp lực lên tỷ giá, buộc chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với diễn biến của tình hình thế giới”, ông Hiếu cho hay.

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, ngành Ngân hàng có thể làm được nhưng không dễ dàng, thành ra lạm phát cũng gây áp lực lên tỷ giá vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của VND. Do đó, NHNN cần theo dõi rất sát sao tình hình biến động về tỷ giá trên thế giới và tình hình lạm phát của Việt Nam để có động thái phù hợp nhất. Dĩ nhiên, điều này không đơn giản vì NHNN đang đứng giữa hai mục tiêu đó là phát triển kinh tế và ổn định tiền đồng.

Nếu giữ ổn định tiền đồng thì có thể kiềm chế lạm phát, giới hạn cung tiền, duy trì tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, động thái này tạo hiệu ứng ngược lại, đó là siết lại hầu bao của nền kinh tế là cung tiền và có thể tác động đến GDP của Việt Nam.

Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, về lâu dài hai mục tiêu đó hỗ trợ cho nhau, sẽ không thể phát triển kinh tế nếu không kiềm chế lạm phát và ngược lại kiềm chế lạm phát sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Về ngắn hạn, hai mục tiêu này mâu thuẫn với nhau, trong thời điểm tình hình thế giới đang có nhiều biến động, vấn đề quan trọng là làm sao để NHNN có chính sách tiền tệ phù hợp và cân bằng giữa hai mục tiêu là ổn định và phát triển kinh tế.

Ông Hiếu nhận định, những thành quả mà NHNN thực hiện thành công trong 9 tháng qua như: điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và phù hợp với diễn biến của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô… sẽ là tiền đề để tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ của mình trong thời gian tới. Điều này không có nghĩa là thực hiện một chính sách cố định mà tùy theo sự biến chuyển của tình hình kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế của Việt Nam để có những quyết định sáng suốt nhất, phù hợp nhất với thị trường.

Mặc dù khó khăn còn chồng chất khó khăn, nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, NHNN vẫn phải điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với các mục tiêu đặt ra ban đầu. Ví dụ, việc điều hành chính sách tiền tệ phải được tiến hành để sao cho lãi suất phù hợp, không giảm được thì phải ổn định vì các nhân tố làm tăng mặt bằng lãi suất là rất lớn. Nếu tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp.

Với thị trường tiền tệ, bằng những biện pháp nhất quán, bằng công cụ gián tiếp phải làm sao ổn định được thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, tỷ giá hối đoái đã và đang có những áp lực rất lớn, áp lực từ bên ngoài, áp lực từ trong nước, áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động nhiều chiều đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tất yếu nó sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ nhiều hay ít thì tùy thuộc vào diễn biến của thị trường trong nước cũng như thế giới.

“Quá trình điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2018 và tiếp theo năm 2019 cần chú trọng một thông điệp chung nhất đó là, tỷ giá vẫn phải điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường để hạn chế những bất lợi từ các yếu tố từ bên ngoài tác động đến các yếu tố bên trong gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế của Việt Nam diễn ra bình thường”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cho hay.

Xem thêm

Chung Thủy