|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà sáng lập ứng dụng gọi xe gốc Việt chia sẻ cách phát triển với nguồn lực nhỏ

15:41 | 19/10/2020
Chia sẻ
Nguyễn Thành Vinh, nhà sáng lập ứng dụng viApp, đã chia sẻ ba chiến lược phát triển khi ứng dụng của ông không có nhiều nguồn lực để cạnh tranh với các đối thủ lớn.

Ứng dụng gốc Việt với mục tiêu chiếm một miếng bánh nhỏ trên thị trường

Ứng dụng gọi xe gốc Việt viApp vừa chính thức ra mắt thị trường Việt từ 8/10. Như mọi ứng dụng gọi xe mới trên thị trường, viApp bắt đầu tìm kiếm khách hàng bằng cách đưa ra các chương trình khuyến mại, đồng thời hỗ trợ thanh toán qua một ví điện tử phổ biến là Momo (hiện có 20 triệu người dùng).

Thị trường gọi xe công nghệ ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang là cuộc chơi của những ứng dụng gốc Singapore (Grab) và Indonesia (Gojek). Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, một số ứng dụng bản địa vẫn tồn tại và thực tế ấy làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. 

Việt Nam không phải là ngoại lệ. Một vài ứng dụng gốc Việt vẫn đang tồn tại và phát triển, như be, FastGo hay VATO. Thậm chí be còn xếp trên Gojek (tiền thân là GoViet) tại thị trường Việt Nam, theo khảo sát của ABI Research nửa đầu năm 2019.

Tuy nhiên, nhiều ứng dụng gốc Việt khác đã nhanh chóng rơi vào quên lãng sau khi ra mắt, như ZuumViet hay MixGo.

Chính vì thế, câu hỏi đặt ra cho viApp ở thời điểm hiện tại chưa phải là cạnh tranh thế nào trên một thị trường khốc liệt mà làm sao vượt qua được giai đoạn đầu với câu chuyện con gà-quả trứng: Khách cần có xế, và xế cần có khách.

Trên thực tế, kế hoạch ra mắt viApp đã có từ tháng 7/2020, thời điểm rộ lên những tin đồn sáp nhập Grab và Gojek. Lúc đó, website công ty cũng đã công bố con dấu giấy phép của Bộ Công thương, chứng minh cho việc đã xin được giấy phép làm ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt.

Như hầu hết ứng dụng khác, viApp cũng khẳng định họ không hề cạnh tranh với đối thủ nào, đồng thời cũng không muốn chi nhiều tiền không kiểm soát (đốt tiền) vào khuyến mại để lấy tăng trưởng. Hiện viApp mới chỉ "đốt nhẹ" bằng cách chi tiền giới thiệu cho những tài xế 4 bánh tham gia nền tảng.

Nhà sáng lập ứng dụng gọi xe gốc Việt chia sẻ cách phát triển nền tảng với một nguồn lực nhỏ - Ảnh 1.

Đội ngũ vận hành của viApp chưa đến 20 người. Ảnh: viApp.

Chia sẻ về ứng dụng, nhà sáng lập Nguyễn Thành Vinh cho rằng viApp hiện còn quá nhỏ so với các ứng dụng triệu đô, tỉ USD nên cho rằng mọi người không cần đặt quá nhiều kì vọng.

"Đây là thách thức lớn của viApp nhưng cũng là lợi thế để đánh một thị trường ngách phù hợp với những người dùng mục tiêu riêng của viApp", ông nói.

Giải đáp thắc mắc về việc liệu viApp có xuất hiện khi miếng bánh thị trường đã thuộc về các đối thủ lớn, ông Vinh cho biết ứng dụng vẫn có cơ hội để giành một phần bánh, dù rất nhỏ. "Một miếng nhỏ cũng là có thị phần", ông nhận định.

Một trong những lợi thế cạnh tranh mà viApp công bố là việc đưa ra dịch vụ chuyến xe không điểm dừng, hay dịch vụ đặt xe đa điểm đến. Ngoài ra, ông Vinh cho rằng khá nhiều tài xế và khách hàng vẫn "mù công nghệ". 

Theo ông, dù đa số người dân có smartphone, nhiều người vẫn không mạnh về công nghệ. Vì vậy, viApp giúp khách hàng và tài xế chỉ cần một nút bấm là có thể kết nối với nhau.

Chiến lược phát triển ứng dụng gọi xe với nguồn lực hạn chế

Tâm sự về thị trường gọi xe, ông Vinh đưa ra ba chiến lược phát triển với các ứng dụng không có nhiều nguồn lực.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần phải rút ngay khi thị trường có dấu hiệu quay cuồng. Các ứng dụng lớn với hàng triệu USD, hàng tỉ USD đang cạnh tranh trong những miếng bánh lớn và các ứng dụng với số vốn hạn chế nếu không biết cách tránh né sẽ "cả đời không ngóc lên nổi vì tính cạnh tranh cao".

Nhà sáng lập ứng dụng gọi xe gốc Việt chia sẻ cách phát triển nền tảng với một nguồn lực nhỏ - Ảnh 2.

Chi phí vận hành thấp, viApp khẳng định tham gia cuộc đua dài hơi. Ảnh: viApp.

Thứ hai, doanh nghiệp nên tiếp cận các thị trường tỉnh. Tại các tỉnh thành ít phát triển, nhu cầu đi lại vẫn còn. viApp bàn giao công nghệ cho các hãng taxi nhỏ ở các tỉnh, qua đó ứng dụng có thể tăng thị phần. Trước đó, một ứng dụng gọi xe khác là GV cũng hướng tới việc liên kết với các hãng taxi ở các tỉnh thành ít đông đúc hơn.

Cuối cùng, ông cho rằng viApp đang chuyển đổi thị trường gọi xe công nghệ có sẵn sang một hình thái mới. Tại đó, ứng dụng sử dụng đồng hộ điện tử, qua đó hạn chế rủi ro xảy ra.

Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định chi phí vận hành của viApp đang ở mức cực thấp. Đội ngũ vận hành của công ty hiện không quá 20 người, do đó có thể theo đuổi một cuộc đua dài hơi mà không sợ đuối sức.

Tiểu Phượng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.