|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà sản xuất smartphone cho Xiaomi: Chuỗi cung ứng tại Trung Quốc là 'không thể thay thế' kể cả khi các công ty chuyển sản xuất sang Ấn Độ hay Việt Nam

12:01 | 18/07/2022
Chia sẻ
Lãnh đạo đơn vị chuyên sản xuất smartphone cho những ông lớn Trung Quốc như Xiaomi và Huawei khẳng định việc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác chỉ là biện pháp mở rộng chứ không thể thay thế chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

DBG Technology Co, nhà sản xuất theo hợp đồng cho các thương hiệu điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Honor và Huawei Technologies Co., đang mở rộng năng lực sản xuất ở nước ngoài khi thị trường nội địa Trung Quốc bị gián đoạn bởi các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này vẫn khẳng định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc là “không thể thay thế”, theo South China Morning Post.

Công ty DBG Technology Co, có địa điểm sản xuất chính đặt tại thành phố Huệ Châu, đã và đang xây dựng cơ sở tại Việt Nam của riêng mình ở tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu sản xuất ba triệu thiết bị cầm tay hàng tháng trong thời gian ba năm. Theo Xu Yusheng, thư ký hội đồng quản trị của DBG, khu vực nhà máy cho thuê hiện tại có năng lực sản xuất hơn 100.000 điện thoại thông minh mỗi tháng.

Ông Xu cho biết, những công ty trong ngành smartphone tại Trung Quốc đang hướng mục tiêu mở rộng ra bên ngoài để tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là khi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước giảm xuống. Mặc dù các đơn đặt hàng tại nhà máy ở thành phố Huệ Châu của DBG vẫn tăng lên theo từng năm, nhưng ước tính của doanh nghiệp về tổng thể năm 2022 vẫn "không rõ ràng" vì nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng về các sản phẩm smartphone đã và đang thay đổi.

Mặc dù gần đây việc các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các ngành công nghiệp khác thiết lập cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc đã trở thành một “xu hướng tất yếu”, nhưng quá trình này “không phải là chuyển giao, mà là một bản sao chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, ông Xu nói.

“Made in Việt Nam” không bao giờ thay thế cho “Made in China”, mà là một phần mở rộng của điều đó”, lãnh đạo DBG Technology Co nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp mở rộng sang Việt Nam

Quyết định chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất mới nhất của Xiaomi đã thu hút sự chú ý của công chúng khi hãng sản xuất smartphone này theo sau động thái tương tự của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn trên toàn cầu nhằm chuyển các bộ phận trong chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để tìm kiếm chi phí thấp hơn và sản lượng sản xuất ổn định hơn trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.

Xiaomi chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. (Ảnh: Fortune).

Chẳng hạn, gã khổng lồ Apple của Mỹ đã chuyển một phần sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng trước sau khi thành phố Thượng Hải và các khu vực lân cận bị phong tỏa, làm gián đoạn quá trình sản xuất, tờ Nikkei Asia đưa tin.

Tuy nhiên, động thái chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài của DBG đã bắt đầu từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Họ đã xây dựng nhà máy cho Xiaomi ở Ấn Độ vào năm 2019. Nhà máy Ấn Độ, có trụ sở tại bang Haryana, hiện sản xuất hơn một triệu điện thoại thông minh hàng tháng - chủ yếu dành cho thị trường trong nước – biến nơi đây thành cơ sở lớn nhất ở nước ngoài của DBG.

Năm 2021, công ty tiếp tục mở rộng sang thị trường Đông Nam Á, thành lập các nhà máy ở Bangladesh và Việt Nam. Trong khi dự án của DBG tại Việt Nam vẫn đang được xây dựng, hoạt động sản xuất trong nước đã bắt đầu với các nhà xưởng và dây chuyền sản xuất đi thuê.

Về lâu dài, DBG muốn tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, vốn chiếm chưa đến 20% tổng hoạt động kinh doanh của công ty ở thời điểm hiện tại, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường nước ngoài.

Theo ông Xu, động cơ chính để công ty thiết lập khả năng sản xuất ở các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam là các ưu đãi về thuế, rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến điện thoại thông minh sản xuất tại Trung Quốc trở nên đắt hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài.

Chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã được cải thiện sau khi ông lớn Samsung mở rộng cơ sở sản xuất. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng ở Huệ Châu sau khi thương hiệu này mất đi sự phù hợp tại thị trường Trung Quốc cũng như căng thẳng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ gia tăng.

Tuy nhiên, sự phức tạp và khối liên kết trong chuỗi cung ứng của chính Trung Quốc sẽ vẫn là một lợi thế về lâu dài. “Tính toàn diện của chuỗi cung ứng điện thoại thông minh tại Trung Quốc, phần cốt lõi của vấn đề, đã được thực hiện sau hai thập kỷ phát triển. Chúng tôi có thể dễ dàng có được tất cả các thành phần, thiết bị thử nghiệm và mọi thứ khác cần thiết để tạo ra một sản phẩm mới từ những bước đầu, trong vòng một giờ lái xe từ nhà máy Huệ Châu của chúng tôi. Không nơi nào có thể cung cấp những thứ này, ngoại trừ Trung Quốc”, ông Xu nhấn mạnh.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Doanh Chính

Câu hỏi trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: Việt Nam cần làm gì để biến ba thách thức thành cơ hội từ nâng hạng?
Chứng khoán Việt Nam đang tiến sát hơn với mục tiêu nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russel. Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, các chuyên gia sẽ phân tích kỹ hơn về câu chuyện nâng hạng của thị trường bởi đây không phải một bức tranh toàn màu hồng.