Nhà nước đã mua nợ của Vinalines
Trước IPO, công ty mẹ Vinalines báo lãi 6 tháng đạt 11% kế hoạch năm | |
Sáu tháng đầu năm, Vinalines dự báo lỗ hơn 1.140 tỉ đồng |
Nếu IPO thành công, Nhà nước sẽ còn sở hữu 65% cổ phần Vinalines. (Ảnh: Huỳnh Công Bá) |
Bất ngờ chi phí lãi vay dự kiến sau cổ phần hóa
Theo Bản công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Vinalines, ở trang 75, có một câu đáng chú ý “Chi phí lãi vay: sau khi thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nợ, chi phí lãi vay bình quân dự kiến của tổng công ty sẽ ở mức khoảng 16 tỉ đồng/năm” (xin nhấn mạnh 16 tỉ đồng/năm - NV). Mức chi phí lãi vay này rất thấp và chắc chắn là thấp nhất trong số chi phí lãi vay của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Vì sao chi phí lãi vay của Vinalines dự kiến thấp như vậy? Vì tổng dư nợ thấp chăng? Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 của Vinalines chỉ ra đến ngày 31/12/2017 vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cộng dài hạn của tổng công ty là 11.219 tỉ đồng (cùng kỳ là 15.415 tỉ đồng, giảm mạnh tới 4.196 tỉ đồng). Năm 2016 chi phí lãi vay của Vinalines tới 1.157 tỉ đồng; năm 2017 là 807 tỉ đồng. Không hiểu các biện pháp tái cơ cấu nợ hiệu quả đến mức nào mà dự kiến sau IPO chi phí lãi vay của Vinalines tụt xuống tầm 16 tỉ đồng/năm. Hay các chủ nợ hào phóng xóa gần như toàn bộ nợ cho tổng công ty? Hoặc các chủ nợ vẫn cho vay, nhưng không thu lãi, chỉ thu chút chút gọi là có?
Nhà nước mua nợ Vinalines
Không có thông tin cụ thể về việc DATC mua nợ của Vinalines từ các ngân hàng với giá nào, con số bao nhiêu, nhưng DATC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tức Vinalines nếu nhận nợ với DATC là nợ Nhà nước. Như vậy, Nhà nước mới là người mua nợ của Vinalines. |
Cũng từ báo cáo tài chính hợp nhất năm ngoái, ngày 31/12/2017 vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 7.969 tỉ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 11.655 tỉ đồng, tính ra giá trị sổ sách của tổng công ty ở mức 6.837 đồng/cổ phần. Giá trị sổ sách này đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Vinalines có 5.440 tỉ đồng, tức giá trị sổ sách đạt 4.667 đồng/cổ phần.
Năm 2016 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinalines âm 2.171 tỉ đồng; năm 2017 âm 537 tỉ đồng. Song nhờ có khoản mục lợi nhuận khác năm 2016 là 2.763 tỉ đồng; năm 2017 là 1.507 tỉ đồng nên cả hai năm tổng công ty lần lượt ghi nhận lợi nhuận sau thuế tương ứng 450 và 593 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư quan tâm đến việc tham gia đấu giá Vinalines không thể tìm thấy bất cứ phần thuyết minh nào, bất cứ ý kiến kiểm toán nào đi kèm với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, 2017. Báo cáo tài chính các năm đăng tải trên trang web chỉ có mấy trang đầu tiên liên quan đến các số liệu bảng cân đối kế toán và lưu chuyển tiền tệ.
Mới đây trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Vinalines trước IPO, đại diện tổng công ty cho biết các khoản thu nhập khác và lợi nhuận khác của Vinalines đến từ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, từ bán nợ, từ được miễn gốc vay và trái phiếu, từ được xóa lãi vay.
Đại diện Vinalines khẳng định trong quá trình tái cơ cấu nợ, các chủ nợ (chủ yếu là ngân hàng thương mại) đã bán các khoản nợ của tổng công ty cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC - trực thuộc Bộ Tài chính). Như vậy, đã có sự thay đổi chủ nợ của Vinalines từ các ngân hàng sang DATC. Không có thông tin cụ thể về việc DATC mua nợ của Vinalines từ các ngân hàng với giá nào, con số bao nhiêu, nhưng DATC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tức Vinalines nếu nhận nợ với DATC là nợ nhà nước. Ẩn số đã “lộ diện”. Nhà nước mới là người mua nợ của Vinalines.
Thế Nhà nước có xóa nợ cho Vinalines không? Phụ lục 6 (danh sách dư nợ vay tại ngày 31-12-2016 và 31-12-2017 của công ty mẹ - tổng công ty) kèm theo Bản công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đưa ra trả lời cho câu hỏi trên. Theo đó dư nợ vay của công ty mẹ đến hết năm 2017 còn tổng cộng 2.146 tỉ đồng.
Nhìn vào phụ lục 7 của bản công bố trên (là chi tiết các khoản bảo lãnh, cam kết của công ty mẹ - tổng công ty đối với các doanh nghiệp thành viên tại ngày 31-12-2017) thì thấy con số bảo lãnh rất lớn, tổng cộng tới hàng ngàn tỉ đồng kể cả bằng tiền đồng và ngoại tệ.
Sự đắt rẻ của một cổ phiếu
Quá trình tái cơ cấu đã làm cho dư nợ của Vinalines giảm rất nhanh và rất mạnh, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay. Điều này dẫn đến sự khác nhau cách biệt của các số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 và bản công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Còn vốn chủ sở hữu của Vinalines thì thế nào? Căn cứ vào báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016, 2017, chúng ta đã có vốn chủ sở hữu của Vinalines tương ứng là 5.440 và 7.969 tỉ đồng. Tuy nhiên theo Bản công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, trang 74, vốn chủ sở hữu của Vinalines vào sáu tháng cuối năm 2018 dự kiến 14.060 tỉ đồng, bằng với vốn điều lệ dự kiến.
Nợ giảm “thần tốc”, vốn chủ sở hữu tăng mau lẹ là hai điểm nhấn của kết quả tái cơ cấu tại Vinalines. Vấn đề còn lại, sau cổ phần hóa, liệu lợi nhuận ròng của tổng công ty có đáp ứng được tiêu chí giải ngân của giới đầu tư. Vinalines dự kiến năm 2019 lãi sau thuế 300 tỉ đồng trên vốn điều lệ 14.060 tỉ đồng, hay EPS 213 đồng/cổ phiếu và P/E là 47 lần.
Sự đắt rẻ của cổ phiếu Vinalines trong đợt IPO không chỉ phụ thuộc vào những con số dữ liệu, mà còn phụ thuộc vào biến động của thị trường vận tải biển, hoạt động của các cảng trải khắp toàn quốc cũng như dịch vụ hàng hải đi kèm. Khủng hoảng vận tải biển kéo dài đã đúng mười năm và đến nay chỉ số Baltic Dry Index (Chỉ số thuê tàu hàng khô) vẫn phập phù. Nó đã từng lao dốc từ gần 12.000 điểm xuống dưới 300 điểm và nay đang “lang thang” ở 1.600-1.700 điểm. Sự khắc nghiệt của giá cước thuê tàu, giá tàu, giá cước vận tải biển là điều nhà đầu tư nên tính toán kỹ lưỡng, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện số liệu Vinalines.