Sắp IPO, Vinalines dự báo lợi nhuận tăng gần 150% trong nửa cuối 2018
Vinalines tổ chức roadshow trước thềm IPO 488 triệu cổ phiếu |
Cụ thể, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) ước tính doanh thu thuần 6 tháng cuối năm nay của Công ty mẹ có thể đạt 505 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng – bằng gần 2,5 lần số lãi 73 tỷ đồng của nửa đầu năm nay.
Kế hoạch kinh doanh của Vinalines nửa cuối năm 2018 và các năm 2019, 2020. Nguồn: Vinalines |
Dự báo trong các năm 2019-2020, doanh thu thuần của công ty mẹ đạt lần lượt 1.048 tỷ đồng và 1.063 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lần lượt 222 tỷ đồng và 279 tỷ đồng.
Các dự báo này được xây dựng dựa trên giả định sản lượng hàng hóa vận chuyển của Vinalines ổn định trong khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2030 tăng trưởng vơi tỷ lệ bình quân 7,15%/năm từ 299 triệu tấn lên 842 triệu tấn, sản lượng vận tải nội địa đến 2030 tăng trưởng với tốc độ 9%/năm từ 72 triệu tấn lên 262 triệu tấn.
Sản lượng hàng hóa dự kiến vận chuyển của Vinalines. Nguồn: Vinalines. |
Giao dịch trên UPCoM trong năm 2018, dự kiến trả cổ tức năm 2020
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về kế hoạch niêm yết, đại diện Vinalines cho biết công ty sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật và giao dịch trên Hệ thống Giao dịch UPCoM trong vòng 90 ngày sau khi cổ phần hóa. Dự kiến Công ty mẹ - Vinalines sẽ bán đấu giá 488,8 triệu cổ phiếu mã MVN vào ngày 5/9 tới. Như vậy, cổ phiếu MVN sẽ có thể được giao dịch tại UPCoM trong năm 2018.
Về chính sách cổ tức, ông Lương Đình Minh - Kế toán trưởng Vinalines cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2019 và 2020 của công ty mẹ - Vinalines ước đạt trên 200 tỷ đồng, tương đương 1,5% vốn điều lệ. Đây là mức lợi nhuận khá khiêm tốn.
Chưa kể, trên báo cáo tài chính hợp nhất vẫn còn lỗ lũy kế nên công ty cần tập trung giải quyết bằng cách thoái bớt vốn tại các đơn vị thua lỗ, phát triển hoạt động kinh doanh. Nếu tình hình diễn biến thuận lợi,dự kiến công ty sẽ bắt đầu trả cổ tức vào năm 2020.
Chủ tịch HĐTV Vinalines ông Lê Anh Sơn (ngồi giữa) trả lời câu hỏi của nhà đầu tư. Ảnh: Y Vân. |
Tuy chưa có kế hoạch phát hành thêm cụ thể nhưng ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines cho biết việc chuyển đổi công ty mẹ - Vinalines thành công ty cổ phần là một điều may mắn, tích cực vì sau này công ty có khả năng phát hành thêm cổ phiếu để tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Sơn cho biết thêm, Vinalines hiện đã tái cơ cấu xong về mặt tài chính, cơ cấu vốn hiện đã an toàn. Cụ thể, số nợ vay của công ty mẹ tính đến cuối 2017 chỉ là hơn 2.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu là gần 12.500 tỷ đồng, cao gấp hơn 6 lần.
Ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 751/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ – Vinalines. Theo đó, hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi cổ phần hóa, công ty mẹ – Vinalines sẽ có vốn điều lệ 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước là 11.946 tỷ đồng. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ – Vinalines là Nhà nước nắm 65%; bán đấu giá cho công chúng 20%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8%; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2% vốn điều lệ. Tuy nhiên do không tìm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp nên số cổ phần dự tính chào bán cho NĐT chiến lược sẽ được đem ra bán đấu giá công khai, nâng tổng số cổ phần được bán đấu giá lên 488,8 triệu, tương đương 34,8% vốn điều lệ công ty mẹ. Công ty có 3 mảng kinh doanh chính là khai thác cảng, vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Cơ cấu doanh thu của các mảng này trong năm 2017 lần lượt là 29%, 42% và 29%. Vinalines hiện đang khai thác và vận hành 14 cảng biển với 72 cầu cảng tại Việt Nam, chiếm gần 27% công suất thiết kế và 20% tổng chiều dài cầu bến cả nước. Đội tàu của Vinalines gồm 84 chiếc, tổng trọng tải trên 1,8 triệu tấn, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu quốc gia. |