|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Soi' tình hình kinh doanh của Vinalines trước ngày đấu giá 488 triệu cổ phiếu: Có gì hấp dẫn?

22:53 | 22/08/2018
Chia sẻ
Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) là doanh nghiệp lớn trong ngành hàng hải với 23 năm kinh nghiệm hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải.
soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan Sắp IPO, Vinalines dự báo lợi nhuận tăng gần 150% trong nửa cuối 2018

Ngày 5/9 tới đây, Công ty mẹ - Vinalines sẽ bán đấu giá hơn 488,8 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp. Vậy hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của Vinalines trước ngày đấu giá ra sao?

Vận tải biển: Chiếm 25% đội tàu biển quốc gia, thua lỗ nhiều năm liền

Hoạt động vận tải biển chiếm gần 68% cơ cấu doanh thu toàn Tổng công ty hợp nhất năm 2017 và 42% cơ cấu doanh thu của Công ty mẹ.

Tính đến 31/12/2017, Vinalines sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước gồm 84 chiếc trong đó có 18 chiếc trực tiếp thuộc Công ty mẹ, tuổi tàu trung bình là 16,9 tuổi, tổng trọng tải hơn 1,8 triệu DWT và trọng tải bình quân 21.436DWT/tàu.

soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan

Thống kê số lượng tàu biển của Vinalines thời điểm 31/12/2017. Nguồn: Vinalines.

DWT (viết tắt của cụm từ deadweight tonnage) là đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn. Nếu một con tàu có trọng tải 50.000 DWT nghĩa là tàu này có khả năng an toàn khi chuyên chở 50.000 tấn trọng lượng bao gồm toàn bộ thủy thủ đoàn, hành khách, hàng hóa, nhiên liệu, nước ngọt... trên tàu.
soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan

Sản lượng vận tải Công ty mẹ - Vinalines. Nguồn: Vinalines.

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh vận tải biển có xu hướng giảm cả về sản lượng và lợi nhuận. Theo Vinalines, nguyên nhân chính là do sự mất cân đối giữa nguồn cung tàu và nhu cầu vận chuyển hàng hóa dẫn tới giá cước vận chuyển giảm và đang duy trì ở mức thấp so với giái đoạn năm 2005-2008; xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng lan rộng; rủi ro về chiến tranh, thiên tai, trừng phạt kinh tế làm hạn chế vận chuyển hàng hóa trong từng khu vực.

soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan
Hiệu quả kinh doanh vận tải biển của Vinalines. Nguồn: Vinalines. Đơn vị: Tỷ đồng

Bên cạnh đó, Vinalines và các đơn vị thành viên đã giảm số lượng tàu do thanh lý bớt một số tàu hoạt động không hiệu quả do đó làm giảm sản lượng vận tải.

Đáng chú ý, đội tàu của Vinalines hầu hết được đầu tư vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường vận tải biển (2007-2008) với chi phí đầu tư lớn khiến cho sức cạnh tranh thấp, chi phí vay và khấu hao tàu lớn dẫn tới thua lỗ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân trong nước đầu tư tàu mới với công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng cũng tạo áp lực cạnh tranh lớn với Vinalines.

Hoạt động khai thác cảng biển: Nắm giữ nhiều vị trí đắc địa

Công ty mẹ - Vinalines không trực tiếp khai thác cảng nhưng đang nắm giữ cổ phần chi phối trên 65% đối với các cảng loại I trọng yếu trên cả nước. Cụ thể:

Vinalines hiện có vốn góp tại 14 công ty khai thác cảng biển và 1 công ty khai thác cảng sông (cảng Khuyến Lương) trong đó có 10 công ty con trên khắp cả nước với 72 cầu cảng có tổng chiều dài 12.591m, chiếm 27% tổng số cầu cảng và 20% tổng ciều dài cầu cảng của cả nước. Ngoài ra, Vinalines còn có 630m bến cảng của CTCP Đầu tư Cảng Vinalines Đình Vũ đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan
Mạng lưới cảng của Vinalines. Nguồn: Vinalines
soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng và doanh thu, lợi nhuận khai thác cảng biển. Nguồn: Vinalines. (Đây là các số liệu hợp nhất do Công ty mẹ không trực tiếp vận hành kinh doanh cảng biển)

Dịch vụ hàng hải: Còn nhiều khó khăn

Lĩnh vực này được thực hiện trực tiếp tại Công ty mẹ - Vinalines thông qua 2 đơn vị trực thuộc là Công ty dịch vụ hàng hải Vinalines Hải Phòng và Công ty Xuất khẩu lao động Hàng hải với nghiệp vụ chính là dịch vụ giao nhận, dịch vụ vận tải đa phương thức, kho bãi, xuất khẩu lao động và thuyền viên.

Nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải của Vinalines đều có quy mô nhỏ và vừa. Hoạt động logistics không phải là một ngành mới đối với Vinalines nhưng do việc tiếp cận và khai thác muộn nên hiệu quả chưa cao.

soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan
Kết quả kinh doanh dịch vụ vận tải. Nguồn: Vinalines. Đơn vị: Tỷ đồng

Bán loạt tàu để cắt lỗ

Như đã nêu, đội tàu của Vinalines hầu hết được đầu tư vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường vận tải biển với chi phí đầu tư lớn khiến cho sức cạnh tranh thấp, chi phí vay và khấu hao lớn. Để giải quyết tình trạng này, Vinalines có kế hoạch tinh gọn đội tàu bằng cách thanh lý, nhượng bớt một số tàu hoạt động không hiệu quả nhằm tinh gọn tài sản và cắt lỗ.

Tàu Vinalines Sky có số trọng tải 42.717 DWT đóng năm 1997 Nhật Bản được mua với mức giá 661 tỷ đồng và được tổ chức đấu giá và chào bán hồi tháng 1 năm nay với mức giá 154 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã không có khách hàng nào quan tâm mua hồ sơ và đặt cọc. Tàu Vinalines Ruby và Vinalines Fortuna được lên kế hoạch bán từ năm 2016 nhưng đến đầu năm 2018 vẫn chưa bán được.

Cụ thể trong năm 2017, Vinalines đã nhượng bán, thanh lý 8 tàu. Năm 2018, Vinalines đặt kế hoạch thanh lý 6 tàu trong đó các tàu chuyển tiếp từ năm 2017 là Vinalines Fortuna (27 tuổi); Vinalines Ocean (25 tuổi), Vinalines Sky (21 tuổi). Các tàu nằm trong kế hoạch thanh lý của 2018 gồm có Vinalines Glory (12 tuổi); Vinalines Galaxy (12 tuổi) và Vinalines Ruby (6 tuổi).

Trao đổi với phóng viên bên lề buổi giới thiệu cơ hội đầu tư trước thềm IPO, ông Lương Đình Minh – Kế toán trưởng của Vinalines cho biết đến nay đơn vị này đã thanh lý 3 tàu và sắp tới sẽ thanh lý tiếp 1 tàu nữa. Dòng tiền trung bình thu được từ mỗi tàu thanh lý là khoảng 100 tỷ đồng. Vị này chia sẻ, do mua cao - bán thấp nên công ty chịu lỗ nhưng vẫn phải mạnh dạn thanh lý để tinh gọn đội tàu.

soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan
Tàu Vinalines Sky

Ghi nhận lãi nghìn tỷ nhờ cơ cấu lại nợ và hoàn nhập dự phòng

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư trước thềm IPO, Chủ tịch HĐTV Vinalines ông Lê Anh Sơn đã hơn một lần chỉ ra rằng Vinalines hiện đã tái cơ cấu xong nợ vay và giá trị nợ vay trên bảng cân đối kế toán của công ty mẹ chỉ còn khoảng trên 2.000 tỷ đồng (cả nợ vay ngắn hạn và dài hạn). Trong khi đó, giá trị vốn chủ sở hữu lên tới gần 12.500 tỷ đồng, ông Lê Anh Sơn cho rằng tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu như vậy là rất an toàn.

Sở dĩ giá trị nợ vay của Vinalines giảm còn thấp như vậy là do trong quá trình tái cơ cấu nợ, các tổ chức tín dụng đã bán các khoản nợ của Vinalines cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Phần chênh lệch giữa số tiền Vinalines nhận nợ với DATC và giá trị khoản nợ gốc và lãi vay phải trả các tổ chức tín dụng trong năm được ghi nhận vào mục thu nhập khác trên báo cáo kết quả kinh doanh.

soi tinh hinh kinh doanh cua vinalines truoc ngay dau gia 488 trieu co phieu co gi hap dan
Tóm tắt kết quả kinh doanh của Công ty mẹ - Vinalines trong 3 năm qua. Nguồn: Báo cáo tài chính các năm 2016-2017.

Dễ dàng nhận thấy, trong cả 3 năm 2015-2016-2017, Vinalines đều có lỗ gộp và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, năm 2016, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên tới 1.520 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vinalines lại nhận được khoản thu nhập khác có giá trị từ gần 1.000 tỷ đồng đến hơn 4.000 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận ròng trong cả 3 năm đều dương, thậm chí đạt hàng nghìn tỷ đồng.

Các khoản thu nhập khác này chủ yếu đến từ hoàn nhập các khoản dự phòng rủi ro và chênh lệch số dư nợ vay khi các tổ chức tín dụng tái cơ cấu khoản nợ tại Vinalines.

Đến nay, nợ vay của Công ty mẹ Vinalines đã về mức tương đối thấp so với vốn chủ sở hữu như Chủ tịch HĐTV đã chỉ ra. Tuy nhiên giai đoạn tái cơ cấu tài chính cũng do đó đã kết thúc. Kế toán trưởng của Vinalines cho biết từ năm 2018, các tổ chức tín dụng sẽ không bán nợ của Vinalines cho DATC nữa. Mất đi nguồn lợi nhuận khác quan trọng này, liệu công ty mẹ - Vinalines có thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận dương trong thời gian tới?

Ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 751/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ – Vinalines.

Theo đó, hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi cổ phần hóa, công ty mẹ – Vinalines sẽ có vốn điều lệ 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước là 11.946 tỷ đồng.

Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ – Vinalines là Nhà nước nắm 65%; bán đấu giá cho công chúng 20%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8%; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2% vốn điều lệ.

Tuy nhiên do không tìm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp nên số cổ phần dự tính chào bán cho NĐT chiến lược sẽ được đem ra bán đấu giá công khai vào ngày 5/9 tới đây, nâng tổng số cổ phần được bán đấu giá lên 488,8 triệu, tương đương 34,8% vốn điều lệ công ty mẹ.

Xem thêm

Kiên Dương