Nhà máy MKP BP của Mekophar dự kiến hoạt động trong quý III, doanh thu năm đầu tiên 100 triệu Yên
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm MekoPhar ngày 24/5 (Mã: MKP), bà Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết, năm qua, công ty gặp phải khá nhiều khó khăn, doanh số xuất khẩu giảm nhiều, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra.
Các khách hàng xuất khẩu lớn, khách hàng lâu năm cũng đối mặt những khó khăn trong kinh doanh, tài chính, quy định ở nước nhập khẩu dẫn đến sức mua giảm.
Về nhập khẩu, 2018 là năm đầu tiên thực hiện theo Nghị Định 54 của Bộ Y tế, quy định mới về việc nhập khẩu nguyên liệu dược, nên còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp, bên cạnh đó là thay đổi lớn về ngành dược ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến các công ty sản xuất nguyên liệu dược trên toàn cầu.
Sang năm 2019, MekoPhar đặt kế hoạch doanh thu 1.300 tỉ đồng, tăng 12% so với thực hiện 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 14% xuống 110 tỉ đồng.
Về công tác phân phối cho sản phẩm, Mekophar dự kiến mở rộng kênh bán hàng OTC, tiếp tục phát triển việc liên kết với các công ty tư nhân, các chuỗi nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh để tăng thị trường nội địa. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối đến các tỉnh thành trên cả nước, củng cố các thị trường khách hàng lâu năm, tạo thêm điều kiện cho khách hàng, tăng cường số đăng ký ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, Mekophar dự kiến chhào giá và gửi mẫu sản phẩm đi các nước để gia tăng thị trường xuất khẩu.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, tháng 10/2018, nhà máy MKP BP đã hoàn thành, công ty dự kiến sản xuất và xuất khẩu thành phẩm sang Nhật vào quý III/2019. Thời gian để đạt công suất tối đa là 2-3 năm.
Ông Satoshi Kawamura, Thành viên HĐQT Mekophar cho biết khi nhà máy MKP BP đi vào hoạt động, năm đầu tiên sẽ đạt doanh thu 100 triệu Yên, năm tiếp theo khoảng 200 triệu Yên, có thể đạt tối đa 500 triệu Yên.
Ngoài ra, Mekophar sẽ rót vốn thêm 200 tỉ đồng để đầu tư vào nhà máy này. Bà Lan cho biết, công ty đã cân nhắc trong việc đi vay vốn. Vì khi đi vay phải nghĩ đến đồng lãi để chi trả, khi cần thiết Mekophar sẽ đi vay, vay một cách có hiệu quả để không tạo ra gánh nặng cho người kế nhiệm cũng như không làm tổn hại đến cổ đông.
Tại đại hội, cổ đông đã đề nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu 30% thay vì 15% để động viên cổ đông và tạo tính thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường. Chủ tịch HĐQT Mekophar cho biết hiện nay, công ty đang rất cần tiền mặt nhưng cũng đã cố gắng chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông 15%, còn cổ tức bằng cổ phiếu sẽ xem xét thêm trong những năm sau.
Liên quan đến việc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), công ty phải đợi nhà máy đi vào hoạt động ổn định. Theo bà Lan, chắc chắn Mekophar sẽ niêm yết nhưng sẽ lên sàn vào thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, tại đại hội, cổ đông đã thông qua phương án góp vốn hợp tác đầu tư dự án nhà ở xã hội cho cán bộ nhân viên tại 620 Kinh Dương Vương, Bình Tân, TP HCM. Theo đó, Mekophar sẽ góp vốn 30%, tương ứng với 39 tỉ đồng, phần còn lại được góp từ Happy House, dự kiến dự án được thực hiện trong 33 tháng và được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2022.
Bà Lan cho biết, dự án nhà ở xã hội trong khu đất tại Bình Tân được liệt kê là đất quy hoạch, thế nên công ty chỉ được phép làm nhà ở xã hội chứ không được làm nhà ở thương mại. Do vậy, Mekophar mới đầu tư 30% để cho công nhân viên công ty có nơi ở. Hơn nữa, không có kinh nghiệm nên công ty phụ thuộc hoàn toàn vào Happy House.