5 năm hủy niêm yết, ‘khủng long’ Mekophar giờ ra sao?
"Khủng long" Mekophar khi nào mới quay trở lại? |
Bối cảnh pháp lý được quy định ngày một chặt chẽ, các doanh nghiệp đại chúng sẽ “bắt buộc” phải niêm yết trên sàn nhằm công bố thông tin và minh bạch, mang lại giá trị thực cho thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, những cái tên từng vang bóng một thời như Bông Bạch Tuyết, “Vua tôm” Minh Phú hay “khủng long” Mekophar sẽ được chú ý hơn bao giờ hết.
Với Mekophar (CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar - Mã: MKP), doanh nghiệp này từng niêm yết hơn 9,2 triệu cổ phiếu trên HOSE vào tháng 6/2010. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu năm 2011, MKP không tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dược phẩm trong khi vốn điều lệ đang ghi nhận 4,7% thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Nghiễm nhiên, MKP khi đó đã bị “tuýt còi” bởi theo quy định khi đó, dược phẩm thuộc danh mục hàng hóa không được quyền phân phối bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh luật định còn nhiều bất cập và rối ren, việc cần làm của Mekophar trước khi niêm yết phải là mở rộng chức năng kinh doanh rồi mới mở cửa chào đón nhà đầu tư ngoại thay vì làm ngược lại. Bởi thời điểm đó, tất cả các công ty dược phẩm có mặt trên sàn đều có vốn nước ngoài nhưng vẫn được kinh doanh bán buôn, bán lẻ.
Sau khi nhận thấy việc niêm yết hiện tại không mang lại giá trị, MKP đã quyết “dứt áo” rời sàn nhằm mục đích tái cơ cấu nguồn vốn. Tại ngày hủy niêm yết, thị trường ghi nhận giá trị vốn hóa của MKP lên tới trên 480 tỷ đồng, với gần 10 triệu cổ phiếu ngừng giao dịch sau 3 phiên tăng trần.
Khoác lại "chiếc áo" OTC
Ngày trở lại thị trường này, Mekophar vẫn “dắt túi” một khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2012 thể hiện doanh thu MKP đạt hơn 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70,3 tỷ đồng và EPS đạt 7.109 đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán qua các năm của MKP. (Đvt: Tỷ đồng). |
Tính từ năm 2012 đến tháng 6/2017, doanh thu thuần hợp nhất (DTT) của MKP duy trì ổn định trên 1 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng từ 12 – 15%/năm. Nửa đầu năm nay, DTT đạt 661 tỷ đồng, trong đó hoạt động kinh doanh lõi là bán thành phẩm và hàng hóa chiếm 95%.
Ngoài ra, doanh thu còn ghi nhận gần 24 tỷ đồng từ dịch vụ ngân hàng tế bào gốc. Được biết, Mekophar đã triển khai dịch vụ này từ năm 2009, lấy tên là Mekostem, chuyên cung cấp các dịch vụ về thu nhập, phân tích, xử lý tách tế bào, bảo quản các loại tế bào gốc từ máu theo nhu cầu.
Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán qua các năm của MKP. (Đvt: tỷ đồng). |
MKP cũng duy trì hệ số thanh toán khá tốt nhờ tiềm lực dòng tiền mạnh, được tích lũy hàng năm từ doanh thu tăng trưởng. Giai đoạn 2012 – 2017, hệ số thanh toán nhanh và thanh toán ngắn hạn của MKP trung bình đạt lần lượt là 3,6x và 5,2x. Các khoản phải thu dài hạn cũng không xuất hiện trong cơ cấu tài sản.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu 2017, khoản mục tài sản dở dang dài hạn đã tăng đột biến từ 98 tỷ lên hơn 264 tỷ đồng. Theo giải trình, đây là khoản đầu tư vào dự án Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Sản xuất Sinh - Dược phẩm Mekophar.
Được biết, dự án này được triển khai từ năm 2015 với chi phí ban đầu khoảng 9,5 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển sinh - dược - ngân hàng tế bào gốc; xây nhà máy sản xuất thuốc Nonbeta Lactam đạt tiêu chuẩn PIC/S (sản lượng 2 tỷ viên mỗi năm) dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Giai đoạn 2 sẽ tập trung xây dựng các dây chuyền sản xuất thuốc.
Việc cho ra đời dự án này nhằm mục đích sản xuất các sản phẩm dược công nghệ sinh học thế hệ mới, điều trị chất lượng tốt với giá thành hợp lý, có thể cạnh tranh được với các hãng dược nước ngoài.
Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán qua các năm của MKP. (Đvt: tỷ đồng). |
Về cơ cấu nguồn vốn, trong 5 năm qua MKP không có nợ vay ngân hàng. Hầu hết nguồn vốn đến từ vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng từ 78-85% tổng nguồn vốn, trong đó quỹ đầu tư phát triển chiếm từ 40-50% vốn chủ sở hữu. Hiện tại, công ty đang nắm giữ 278 nghìn cổ phiếu quỹ, trị giá 14,5 tỷ đồng, chiếm 1,4% vốn điều lệ.
Giá trị sổ sách/cp (Book value - Đvt: đồng/cp) được tạm tính tại thời điểm 30/6 theo BCTC của các doanh nghiệp. |
Nếu tình hình tài chính tiếp tục diễn biến khả quan thì với mức EPS khoảng 6.000 đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm từ 20-30%, Mekophar đang là doanh nghiệp duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong ngành dược. Thậm chí, giá trị sổ sách/cp (Book Value) của MKP vượt qua cả những hãng dược đang niêm yết trên sàn.
Tính đến 30/6/2017, Mekophar đã thực hiện tăng vốn 7 lần để đạt mức vốn điều lệ 194,2 tỷ đồng. Trong đó, 18% do đại diện phần vốn Nhà nước là Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm giữ.
Khoảng nửa năm trở lại đây, thị trường OTC cũng xuất hiện khá nhiều đợt đặt mua cổ phiếu MKP với mức giá lên đến 75.000 đồng/cp. Tuy nhiên, lệnh chào bán lại không đáng kể và khối lượng tương đối nhỏ.
Theo Thông tư 180/2015/TT-BTC, việc Mekophar “bắt buộc” phải quay trở lại sàn chứng khoán sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Có điều, khi niêm yết, cái tên Mekophar có tạo nên một “cơn sốt” lại tăng thêm nhiệt độ hay không? Câu trả lời có lẽ vẫn còn là một ẩn số.