Nhà máy khởi động chiến dịch để kéo khách hàng nước ngoài trở lại Trung Quốc
Khó khăn chồng chất
Các chủ nhà máy và doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang phát động chiến dịch nhằm thu hút khách quốc tế trở lại nước này, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm sút.
Chính quyền các địa phương đang cử đoàn công tác tới các triển lãm thương mại tại Mỹ và châu Âu để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Trong vài năm qua, doanh nghiệp nước ngoài đã nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng để đối phó với tình trạng gián đoạn mà đại dịch gây và các đoàn công tác của Trung Quốc có nhiệm vụ tiếp cận nhóm khách hàng này.
Dongshen Garment là nhà sản xuất áo phông, đồ ngủ và quần jeans có trụ sở tại Nam Xương, chuyên cung cấp hàng cho nhiều thương hiệu bao gồm Walt Disney và Levi's. Trong tháng 2, công ty đã cử đại diện tới Mỹ theo chương trình do tỉnh Giang Tây tổ chức.
Ông Hu Juncheng, Tổng Giám đốc của Dongshen, nói với tờ Financial Times: “Khách hàng của chúng tôi tại Mỹ cho biết tồn kho của họ đang tăng ngày một nhiều sau khi doanh số bán hàng sụt giảm từ tháng 6 năm ngoái".
"Trong đại dịch, chúng tôi không thể tới thăm các khách hàng nước ngoài… Điều đó ảnh hưởng đến việc liên lạc giữa các bên”, ông Hu nói thêm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Đơn hàng nước ngoài giảm mạnh, container rỗng chất đống tại các cảng của Trung Quốc 21/02/2023 - 10:33
Được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi các nước khác bắt đầu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch.
Ban đầu, người mua nước ngoài không thể nhập cảnh vào Trung Quốc. Tới tháng trước, Bắc KInh mới dỡ bỏ các quy định cách ly đối với người nhập cảnh.
Hoạt động sản xuất bị gián đoạn bởi các đợt phong tỏa liên tục, phí vận chuyển cao khiến đơn hàng bị trễ và căng thẳng địa chính trị với Mỹ đã thúc đẩy các khách hàng tìm kiếm nhà cung cấp ở nơi khác, thay vì Trung Quốc.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của Trung Quốc đã giảm 8,9% trong tháng 11 và 9,9% trong tháng 12. Lạm phát và lãi suất gia tăng trên toàn thế giới đã làm suy yếu nhu cầu của các nước.
Nhiều nhà máy ở các trung tâm sản xuất phía nam và phía đông của Trung Quốc đã giảm tuyển dụng hoặc thậm chí đóng cửa trong nhiều tuần vào năm ngoái khi COVID-19 bùng phát.
Ông Gary Ng, nhà kinh tế của ngân hàng Natixis, nhận xét: “Lệnh phong tỏa và làn sóng dịch sau khi Trung Quốc mở cửa đều gây ảnh hưởng ngắn hạn đến việc sản xuất. Nhưng dù là trong giai đoạn phong tỏa hay mở cửa nhanh chóng thì nhu cầu hàng hoá của thế giới cũng không cao”.
Ông nói tiếp: “Các nhà xuất khẩu đang đặt ra mức giá cao hơn vì lạm phát, nhưng việc này không thể che giấu được áp lực cơ bản từ nhu cầu suy yếu”. Ông dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm sút trong quý đầu năm nay.
Tìm cơ hội mới
Ông Liu Xingdong, chủ sở hữu của HD Eyewear có trụ sở tại thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), cho biết lượng đơn đặt hàng của công ty đã giảm 30% trong ba năm qua.
Vào tháng 2, ông Liu đã tới Italy trên chuyến bay do chính quyền thành phố thuê để tham dự MIDO, triển lãm kính mắt quốc tế lớn nhất thế giới tại Milan, cùng với 169 nhà sản xuất kính mắt địa phương khác.
Một số đoàn công tác còn đi xa hơn nữa. Văn phòng thương mại của tỉnh Quý Châu hồi tháng 2 đã gửi 18 nhóm ngành công nghiệp thực phẩm đến triển lãm thương mại Prodexpo ở Moscow.
Truyền thông địa phương cho biết năm ngoái đoàn công tác này đã tham dự triển lãm ở Arab Saudi, quốc gia mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách tăng cường mối quan hệ ngoại giao và đầu tư.
Chiến dịch thúc đẩy doanh số bán hàng của các nhà máy Trung Quốc diễn ra khi Mỹ tăng cường nỗ lực tách biệt chuỗi cung ứng khỏi nước này, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều công nghệ tiên tiến.
Nhưng bất chấp sự leo thang của căng thẳng, thương mại giữa hai siêu cường vẫn lập kỷ lục 690,6 tỷ USD trong năm 2022, theo số liệu chính thức.