Từ McDonald’s đến Ralph Lauren, doanh nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc
Nhiều công ty vẫn cho rằng thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc là ván cược dài hạn đầy hứa hẹn, bất chấp các lo ngại về kinh tế và địa chính trị.
Trung Quốc chào đón
Từ các thương hiệu thời trang cao cấp cho đến các chuỗi bán lẻ đồ ăn nhanh, hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ đang mạnh dạn đặt cược vào sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
McDonald’s và Starbucks đang mở thêm hàng trăm nhà hàng và quán cafe mới. Các công ty thời trang Ralph Lauren và Tapestry cũng khai trương thêm nhiều cửa hiệu. Tyson Foods và Hormel Foods cũng mở thêm các cơ sở mới sau khi nhận thấy nhu cầu dài hạn dành cho thực phẩm kiểu Mỹ tại Trung Quốc.
Doanh nghiệp Mỹ mạnh tay rót vốn trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc vừa tuyên bố với thế giới rằng họ đang mở rộng cửa cho doanh nghiệp nước ngoài và công khai mời gọi Boeing, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Nhưng bất chấp sự chào đón, nhiều doanh nghiệp vẫn cẩn trọng về Trung Quốc bởi những yếu tố khó đoán xoay quanh tình hình kinh tế của nước này và căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh với Washington.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường mở rộng tại Trung Quốc hiện đang hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng. Họ vẫn coi thị trường khổng lồ của Trung Quốc là ván cược dài hạn đầy hứa hẹn dù doanh số từng lao dốc trong thời đại dịch.
- TIN LIÊN QUAN
-
Từ Apple đến Volkswagen, các CEO phương Tây đang lần lượt quay trở lại Trung Quốc 13/02/2023 - 10:33
Ông Howard Schultz, CEO tạm thời và là nhà lãnh đạo lâu năm của Starbucks, khẳng định: “Tôi tự tin hơn bao giờ hết rằng chúng ta mới chỉ lật mở những trang đầu của câu chuyện tăng trưởng tại Trung Quốc”.
Starbucks có kế hoạch mở 3.000 cửa hàng mới ở Trung Quốc cho đến năm 2025, bất chấp doanh số bán hàng ở nước này trong tháng 12/2022 và 1/2023 đã giảm lần lượt 42% và 15% so với một năm trước đó. Ông Schultz cũng dự định đến thăm Trung Quốc trong đầu năm nay.
Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ hồi phục và lo ngại nền kinh tế của các nước phương Tây sẽ suy yếu. Tháng trước, Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc từ 5,2% lên 5,5%.
Trở ngại đối với doanh nghiệp
Mong muốn đầu tư tại Trung Quốc gia tăng bất chấp hàng loạt trở ngại trong những năm gần đây. Quan hệ Mỹ-Trung đang xuống dốc và càng xấu đi bởi bê bối khinh khí cầu Trung Quốc và lập trường của Bắc Kinh về chiến sự Nga-Ukraine.
Washington cũng đang thực hiện một số động thái để hạn chế hoạt động của một số ngành kinh doanh tại trung Quốc, từ các công ty chip cho đến các nhà sản xuất hàng may mặc.
Hôm 16/2, Trung Quốc đã liệt hai công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, bao gồm Lockheed Martin và đơn vị sản xuất vũ khí của Raytheon Techonologies. Nhưng lệnh trừng phạt này chỉ mang tính biểu tượng bởi nhìn chung doanh nghiệp Mỹ bị cấm bán vũ khí cho Trung Quốc.
Một ngày sau, Bộ Thương mại Trung Quốc, cơ quan ra lệnh trừng phạt, trấn an rằng các công ty ngoại quốc khác không nên thấy lo ngại vì động thái này.
Ngày 22/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng lên mạng xã hội WeChat bức ảnh chụp buổi gặp mặt giữa một quan chức cấp cao và bà Sherry Carbary, Giám đốc của Boeing tại Trung Quốc. Trong quá khứ, Trung Quốc từng trừng phạt bộ phận quốc phòng của Boeing.
Bài đăng viết: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ cho các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm Boeing”.
Tháng 1 năm nay, các quan chức Trung Quốc đã đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại của Boeing 737 MAX sau khi mẫu máy bay này bị cấm bay gần 4 năm bởi hai vụ tai nạn nghiêm trọng.
Tâm lý lạc quan
Cuối tháng 1, McDonald’s cho biết hãng đã mở 700 nhà hàng mới ở Trung Quốc vào năm ngoái và định mở thêm 900 cơ sở khác trong năm nay – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và gấp đôi số lượng cửa hàng công ty dự định mở tại Mỹ.
Giám đốc tài chính Ian Borden của McDonald’s nói với các nhà đầu tư rằng công ty đang xúc tiến kế hoạch mở cửa hàng mới bất chấp doanh thu bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm bởi các hạn chế COVID-19.
Ông Patrice Louvet, CEO Ralph Lauren, báo cáo với cổ đông rằng hầu hết các cửa hàng mới mở từ tháng 8 đến tháng 10/2022 là ở Trung Quốc.
Đối với nhà bán lẻ Tapestry, khoảng một nửa trong số 325 triệu USD mà công ty dành cho mảng tài sản cố định và điện toán đám mây sẽ được trích ra để mở và cải tạo cửa hàng mới ở Trung Quốc. CEO Joanne Crevoiserat phát biểu: “Chúng tôi tự tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn ở Trung Quốc”.
Chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ ở Trung Quốc đã có một số dấu hiệu hồi phục hậu COVID-19. Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành hàng xa xỉ.
Tháng 11 năm ngoái, công ty thịt đóng gói Tyson Foods tiết lộ rằng trong số 6 nhà máy mới mà công ty dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, một nửa sẽ ở Trung Quốc.
Ông Jim Snee, CEO công ty chế biến thực phẩm Hormel, cho biết công ty có kế hoạch mở rộng đáng kể ở Trung Quốc vào năm 2024. Tháng trước, tờ báo nhà nước Trung Quốc China Daily đưa tin rằng Hormel đã ký thỏa thuận để xây nhà máy mới trị giá 14,6 triệu USD bên ngoài Thượng Hải.