Nhà đầu tư nóng lòng chờ cuộc họp tháng 1 của OPEC+
Omicron là một biến số khó lường
Tuần trước, giá dầu đã phục hồi một phần khi các lo ngại xoay quanh tác động của biến chủng Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu giảm xuống. Các nhà khoa học cho biết từ dữ liệu ban đầu, triệu chứng mà Omicron gây ra nhẹ hơn so với biến chủng Delta.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron vẫn là một biến số khó lường trong tương lai. Oilprice.com nhận định, ảnh hưởng của Omicron đối với nền kinh tế và nhu cầu năng lượng sẽ là chủ đề chính xuyên suốt năm 2022, đặc biệt là trong những tháng đầu năm.
Dự báo giá dầu trong thời kỳ "bình thường" vốn đã khó thì những bất ổn trong thời đại dịch càng khiến công việc dự báo trở nên khó khăn hơn bội phần.
Liên minh OPEC nhận thấy tác động của biến chủng Omicron lên nhu cầu dầu thô ở "mức khá nhẹ và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn". Trái lại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng đà phục hồi của thị trường dầu mỏ sẽ tạm thời chững lại do Omicron.
Hiện tại, các nhà phân tích cho biết giá dầu thô thế giới có thể đạt trung bình 70 USD/thùng hoặc có thể tăng cao nhất lên 100 USD/thùng vào một thời điểm nào đó của năm 2022 hoặc 2023.
Khi biến chủng Omicron mới bắt đầu lan rộng, JPMorgan dự đoán giá dầu có thể tăng lên 125 USD/thùng vào năm tới và sau đó đạt ngưỡng 150 USD/thùng vào năm 2023 do khả năng OPEC tăng sản lượng còn rất hạn chế, khiến cán cân cung - cầu bị mất cân bằng.
Song, trong một bài đăng mới về các chủ đề chính trên thị trường dầu mỏ năm 2022, ông Simon Flowers - nhà phân tích trưởng tại Wood Mackenzie, nói giá dầu khó có thể leo lên mốc 100 USD/thùng, ít nhất là trong một khoảng thời gian tương đối dài của năm 2022.
Chờ tín hiệu từ cuộc họp của OPEC+
Hiện tại, OPEC+ (liên minh OPEC và các đồng minh) vẫn để ngỏ khả năng các nước thành viên sẽ điều chỉnh chính sách sản lượng tại cuộc họp vào ngày 4/1/2022 (tức thứ Ba tuần sau).
Giới phân tích tin rằng thị trường sẽ quan tâm tới từng động thái của OPEC+. Hơn nữa, các quyết định của liên minh này sẽ là động lực quan trọng của giá dầu trong năm 2022, bên cạnh diễn biến của đại dịch COVID-19.
Nga nhận định giá dầu khó có thể thay đổi đáng kể trong năm tới khi nhu cầu chỉ có thể phục hồi về mức trước đại dịch vào khoảng cuối năm, Phó Thủ tướng Alexander Novak chia sẻ hồi cuối tuần trước.
Theo oilprice.com, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng trở lại trong năm nay, khi thế giới bắt đầu vực dậy từ đại dịch. Trong năm tới, mức tiêu thụ năng lượng nói chung của thế giới có thể xác lập một kỷ lục mới, bất chấp sự lây lan của Omicron và chính sách môi trường của các nước.