|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà bán lẻ Việt Nam rất… cô đơn!

07:47 | 08/11/2018
Chia sẻ
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho siêu thị phần nhiều là nhỏ lẻ, tầm nhìn không xa, ít chia sẻ. Do đó, nhà bán lẻ Việt Nam dường như chỉ “cô đơn” đi một mình!

Ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế hơn so với các ông lớn bán lẻ ngoại. Nhưng tương lai có trụ vững được hay bị loại khỏi cuộc chơi đang là vấn đề đau đầu của các nhà bán lẻ nội địa. Đây là nhận định nổi bật tại hội thảo về xu hướng của ngành bán lẻ Việt diễn ra hôm 7/11.

Tập đoàn ngoại nắm đại siêu thị

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, nói: “Chúng ta thường nói nhà bán lẻ ngoại đang đầu tư phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện thời thị phần hàng tiêu dùng nhanh ở bốn thành phố lớn cộng với toàn bộ khu vực nông thôn thì chuỗi nhà bán lẻ nội đang chiếm thị phần 73% và chuỗi ngoại chiếm 27%”.

Tuy vậy, ông Hoàng lưu ý: Với mô hình siêu thị và siêu thị mini, doanh nghiệp (DN) nội chiếm lĩnh. Nhưng với mô hình đại siêu thị, nhà bán lẻ ngoại chiếm đến 92% và cửa hàng tiện lợi họ chiếm 80%.

“Do đó, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi là mảng mà các nhà bán lẻ nội cần cạnh tranh mạnh hơn nữa với nhà bán lẻ ngoại trong thời gian tới” - ông Hoàng khuyến nghị.

Cùng nhìn nhận trên, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam, cho rằng với các nhà bán lẻ đến từ phương Tây, yếu tố hiểu thị trường không bằng DN Việt Nam. Còn những nhà bán lẻ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phần nào hiểu được người Việt và mang những cái hay từ quốc gia của họ sang Việt Nam, tạo ra sự mới mẻ cho thị trường. Đây là những đối thủ đáng gờm của DN Việt.

nha ban le viet nam rat co don
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều nhu cầu mới. Ảnh: Tú Uyên

Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam cũng gợi ý DN Việt nên tận dụng ưu thế sự hiểu tâm lý mua sắm của người dân bản địa nhưng cần chú ý sở thích mua sắm của khách hàng Việt thay đổi rất nhanh, thậm chí “thay đổi sau một đêm”. Cho nên DN Việt đừng ỷ y rằng mình hiểu người Việt, bởi họ có nhiều nhu cầu mới. Mà muốn đáp ứng được nhu cầu mới, nhà bán lẻ phải gần họ, lắng nghe và dự đoán nhu cầu tiếp theo của họ là gì.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, đánh giá xét về siêu thị mini thì Saigon Co.op đang chiếm thị phần gần như tuyệt đối với 98%. Với cửa hàng tiện lợi, đơn vị này cũng đang từng bước hiện diện bằng các thương hiệu như Co.op Smile, Cheer. Có điều mô hình đại siêu thị đang là sân chơi của các tập đoàn nước ngoài.

“Chúng tôi chưa định hình mình phát triển trong phân khúc đại siêu thị vì tiềm lực tài chính chưa mạnh. Đó là một trong những rào cản của chúng tôi” - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng thẳng thắn thừa nhận.

Mất lợi thế vì tầm nhìn không xa

Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng dẫn các nghiên cứu và khẳng định thị trường bán lẻ Việt đang cạnh tranh nhất thế giới. Bằng chứng là các thương hiệu hàng đầu về bán lẻ thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Đứng trước thách thức và cạnh tranh khốc liệt như vậy nhưng tiếc là ngành bán lẻ Việt lại thiếu tính gắn kết.

Ông Dũng dẫn chứng: Khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tư ra nước khác bao gồm cả Việt Nam, họ có sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ từ tuyến sau. Đó là các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho siêu thị, hay các dịch vụ như ngân hàng, tài chính, tư vấn, luật.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho siêu thị của nước ngoài có tầm nhìn dài hạn. Ví dụ, họ sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận, thậm chí chia lỗ cùng nhà bán lẻ để từng bước giành lấy thị phần của Việt Nam.

Ngược lại, ở Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho siêu thị phần nhiều là nhỏ lẻ, tầm nhìn không xa, ít chia sẻ. Do đó, nhà bán lẻ Việt Nam dường như chỉ “cô đơn” đi một mình!

“Sự đồng hành, tầm nhìn của nhà cung cấp nội so với nước ngoài không bằng. Doanh nghiệp ngoại quyết tâm giành lấy thị trường Việt Nam. Khác với chúng ta là quyết tâm… sống còn qua ngày (tồn tại trên thị trường được ngày nào hay ngày đó - PV). Thực tế này dẫn đến tiêu chí sản xuất, quan điểm, tầm nhìn, liên kết… để đẩy mạnh phát triển ngành bán lẻ Việt cũng khác nhau” - ông Dũng nhìn nhận.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam Nguyễn Hương Quỳnh nhìn nhận thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đang mới bắt đầu. Bởi trong khi ở các nước tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ chậm lại thì Việt Nam tăng trưởng rất lạc quan. Do vậy sẽ có thêm nhiều ông lớn bán lẻ ngoại nhảy vào, doanh nghiệp Việt nên chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh với những người mới.

“Một thị trường thực sự bùng nổ là khi khách hàng đã sẵn sàng thay đổi cách mua sắm. Đây là lúc các nhà bán lẻ cần nỗ lực để nắm bắt cơ hội này” - bà Quỳnh nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.