|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ nền kinh tế Mỹ ‘không hạ cánh’ có thể kích hoạt cuộc bán tháo mới trên Phố Wall

16:17 | 09/02/2023
Chia sẻ
Nhà kinh tế hàng đầu Phố Wall Torsten Slok cảnh báo rằng việc thị trường lao động nóng lên và một loạt mối nguy khác có thể sẽ khiến lạm phát kéo dài dai dẳng, buộc Fed phải tăng lãi suất lên cao hơn dự kiến.

(Ảnh minh họa: Senohrabek/Dreamstime). 

Viễn cảnh đáng sợ

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng và đối tác tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, cho rằng thị trường lao động nóng lên có thể giúp nền kinh tế Mỹ tránh bị sa sút hoặc rơi vào suy thoái nhưng sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kéo lãi suất lên cao hơn dự kiến của các nhà đầu tư và thậm chí là cả giới quan chức.

Kịch bản nền kinh tế “không hạ cánh” này chắc chắn không phải tin tốt với những người tham gia thị trường chứng khoán.

Nỗ lực giảm tốc nền kinh tế và kéo lạm phát đi xuống của Fed thường được ví như việc việc hạ cánh một chiếc máy bay phản lực khổng lồ. Các chuyên gia tài chính và giới chức Fed cũng thường xuyên bình luận về khả năng “hạ cánh mềm” – tức lạm phát hạ nhưng nền kinh tế không suy thoái, hoặc nguy cơ “hạ cánh cứng”, tức lạm phát giảm đi kèm với suy thoái.

Kịch bản “không hạ cánh” ngụ ý rằng Mỹ có thể tránh được sự giảm tốc kinh tế hoặc ít nhất là trì hoãn được một thời gian, nhưng đi kèm với rủi ro suy thoái về sau khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Kịch bản này đặc biệt đáng sợ với các công ty công nghệ và những doanh nghiệp dùng đòn bẩy cao. Ông Slok chỉ ra: “Khi đó, lãi suất sẽ cần phải lên cao hơn và đây là tin xấu với cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu tăng trưởng và chỉ số Nasdaq”.

Nhà kinh tế hàng đầu Phố Wall cho biết chứng khoán Mỹ đã bật tăng mạnh vào đầu năm 2023 vì không có dấu hiệu đáng kể nào cho thấy nền kinh tế sắp suy sụp. Các nhà đầu tư nắm giữ quá ít cổ phiếu sau đà rớt thảm của thị trường năm ngoái bị bất ngờ và vội vã mua vào cổ phiếu. 

Rủi ro sắp tới là Fed sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn hẳn dự kiến thì mới đưa được lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, chủ yếu là bởi mọi chỉ báo đều cho thấy thị trường lao động đang quá nóng.

Báo cáo việc mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 517.000 việc làm trong một tháng, còn tỷ lệ thất nghiệp thì rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp trong lịch sử và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn ít.

Hàng loạt rủi ro 

Lĩnh vực dịch vụ, ngành chiếm đến 80% nền kinh tế Mỹ, vẫn đang rất mạnh mẽ. Nếu ngành dịch vụ cần lấp đầy nhân sự cho hàng trăm nghìn vị trí trống thì tăng trưởng tiền lương có nguy cơ sẽ khiến lạm phát kéo dài lâu. 

Nhưng thị trường lao động không phải là mối nguy duy nhất. Ông Slok nói với tờ MarketWatch rằng sự căng thẳng trên thị trường lao động đang có dấu hiệu dịu bớt. Lãi suất vay thế chấp vẫn còn cao nhưng đã hạ từ các mức đỉnh gần nhất.

Các nhà môi giới bất động sản cho biết khách mua nhà tiềm năng đang dần xuất hiện trở lại. Điều này có nghĩa là thị trường nhà đất sẽ mạnh lên trong những tháng tới, dẫn đến việc tác động tích cực kể từ khi ngành này suy yếu có thể sẽ biến mất.

Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế có thể sẽ khiến giá hàng hóa quay trở lại đà tăng, làm trầm trọng thêm áp lực giá.

Nhà kinh tế Slok không loại trừ khả năng lãi suất chính sách đạt đỉnh ở mức 5,5%, cao hơn dự báo hiện nay của Fed là trên 5%. Kỳ vọng lãi suất của các nhà đầu tư đã gần tiệm cận với dự báo của Fed, nhưng họ vẫn để ngỏ khả năng Fed hạ lãi suất vào cuối năm. 

Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong tháng 1 nhưng chỉ số S&P 500 vẫn mắc kẹt trong thị trường gấu từ năm 2022 đến nay. S&P 500 đã lao dốc khi Fed tăng lãi suất từ gần 0 lên 4% nhằm cố gắng khống chế lạm phát. Động thái của Fed khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh và giá cổ phiếu trượt dài, đặc biệt là các cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ.

Ông Slok lập luận rằng trong năm nay, nếu Fed phải tăng lãi suất quyết liệt hơn dự đoán của thị trường thì xu hướng chính của năm ngoái sẽ lặp lại. Điều này đồng nghĩa với việc trái phiếu và cổ phiếu sẽ tiếp tục có một năm khó khăn.

Năm ngoái, cả hai loại tài sản thường diễn biến trái chiều này đồng loạt lao dốc, làm vô hiệu hóa danh mục đầu tư truyền thống 60/40 từng giúp che chắn cho nhà đầu tư trong những giai đoạn thị trường suy giảm.

Giang