|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đà tăng của chứng khoán Mỹ đang hủy hoại quy tắc đầu tư ‘thần thánh' của Phố Wall

08:20 | 09/02/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư tay mơ thường xuyên bị đè bẹp khi đối đầu với ngân hàng trung ương. Nhưng đôi khi chống lại định chế tài chính khổng lồ này lại là ý tưởng sinh lời tốt.

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ thu được lợi nhuận tốt trong 4 tháng qua nhờ đặt cược chống lại Cục Dự trữ Liên bang (Fed). (Ảnh: Getty Images). 

Thắng lợi bất ngờ

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ trong 4 tháng qua đã tạo ra được kỳ tích. Họ đạt được tỷ suất sinh lời cao – chỉ số S&P 500 tăng 15% trong khoảng thời gian này. Nhưng điều đáng chú ý là họ đạt được thành công trong lúc vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của Phố Wall.

Châm ngôn “đừng chống lại Fed” gắn liền với ông Martin Zweig, nhà đầu tư Mỹ nổi tiếng với việc dự đoán đúng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987. Ý của ông rất đơn giản. Lãi suất giảm có lợi cho thị trường, lãi suất tăng thì ngược lại.

Nhưng theo thời gian, hàm ý của câu nói đã được mở rộng. Giờ câu châm ngôn của ông Zweig được sử dụng để nhấn mạnh rằng việc đặt cược chống lại nguyện vọng của các ngân hàng trung ương luôn là điều kém khôn ngoan.

Trong hầu hết các trường hợp, nhà đầu tư nên nghe theo lời khuyên của ông Zweig. Nhưng trong 4 tháng qua, Fed đã tăng lãi suất ba lần nhưng thị trường vẫn đi lên. Hôm 7/2, vài ngày sau khi báo cáo thị trường lao động gây sốc được công bố, Chủ tịch Jerome Powell cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát sẽ kéo dài hơn suy nghĩ của các nhà đầu tư, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn đi lên.

Theo tờ Economist, nhà đầu tư tại những thị trường khác cũng đang bỏ ngoài tai lời của ngân hàng trung ương. Các quan chức ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) từ lâu đã cam kết sẽ duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.

Nhưng những nhà đầu tư cược rằng BoJ sẽ phải nới tay đã chiến thắng vào tháng 12 năm ngoái, khi các quan chức bất ngờ nâng biên độ dao động lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%.

Các nhà đầu tư nghe theo phân tích của Fed chủ yếu là do họ tin rằng các quan chức có thông tin ưu việt hơn (thông tin nội bộ). Bài nghiên cứu nổi tiếng năm 2000 của hai nhà kinh tế Christina và David Romer dường như đã xác nhận rằng dự báo của Fed chính xác hơn các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, những nghiên cứu về sau lại cho ra kết quả khác. Một nghiên cứu xuất bản năm 2021 bởi các nhà kinh tế thuộc trường Barcelona Graduate School of Economics và Fed chi nhánh San Francisco chỉ ra rằng sự ưu việt trong các dự báo của Fed đã suy giảm từ giữa thập niên 2000.

Trong khi đó, những ngân hàng trung ương khác đôi khi lại đưa ra dự báo tồi đến mức bị chế nhạo. Kể từ năm 2011, năm nào ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng dự báo lãi suất sẽ tăng nhưng rồi lại giảm. 

Rủi ro không nhỏ

Việc các nhà đầu tư chống lại ngân hàng trung ương cũng tốt cho hệ thống tài chính nói chung. Trừ khi ngân hàng trung ương muốn kiểm soát lãi suất thị trường trực tiếp bằng cách mua lượng tài sản khổng lồ như Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách đôi khi cần thực hiện “nghiệp vụ mở miệng”.

Những gì các ngân hàng trung ương nghĩ về điều kiện kinh tế và tác động tiềm tàng đến lãi suất được trình bày qua các bài phát biểu và hướng dẫn bằng văn bản, thể hiện sự lạc quan hoặc bi quan đối với các chủ đề kinh tế và tài chính. Nếu các ngân hàng trung ương truyền đạt tốt ý kiến của mình thì họ có thể không cần thay đổi lãi suất mà vẫn đạt được hiệu quả tương tự.

Để tinh chỉnh hướng dẫn, các ngân hàng trung ương cần mọi người thiết lập vị thế trên thị trường tài chính và sau đó họ có thể phản ứng lại. Xét cho cùng, bất đồng chính là thứ tạo nên thị trường – theo một châm ngôn khác của Phố Wall. Người mua cần người bán, và thông tin về kỳ vọng nói chung của các nhà đầu tư thường được tiết lộ qua giá thị trường.

Các nhà đầu tư tay mơ và những người không hiểu rõ kinh tế vĩ mô thường xuyên bị đè bẹp khi đối đầu với ngân hàng trung ương. Chống lại Fed khi các quan chức để cho dữ liệu dẫn dắt quyết định chính sách là một chuyện, chống lại Fed khi các quan chức tung hết hỏa lực ra lại là một chuyện khác.

Ván cược đối với lợi suất trái phiếu Nhật Bản đã đem đến thành công cho một số quỹ đầu tư dám mạo hiểm vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng trước đó, rất nhiều nhà đầu tư đã bị lỗ nặng bởi chiến lược này.

Tuy nhiên ở mức độ vừa phải, việc tồn tại một chút căng thẳng giữa thị trường và ngân hàng trung ương là điều có ích cho cả nhà đầu tư lẫn các nhà hoạch định chính sách. Một số quy tắc tài chính sinh ra là để bị phá bỏ.

Giang