|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế đón hàng loạt tin tốt nhưng người Mỹ vẫn thấy bi quan hơn bao giờ hết

14:12 | 07/02/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ì ạch trong suốt năm qua là một trong những lý do khiến người Mỹ không thấy lạc quan về nền kinh tế bất chấp loạt tin tức tích cực gần đây.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn nhấn mạnh mọi tin tốt trong nền kinh tế, nhưng tâm lý của người Mỹ vẫn ảm đạm. (Ảnh: Bloomberg). 

Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động rất tốt. Lạm phát đã rút xuống đáng kể từ mùa hè năm ngoái, GDP thực tăng trưởng gần 17% kể từ cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra vào năm 2020, các chủ lao động tạo ra số lượng việc làm kỷ lục trong năm 2022.

Xu hướng tuyển dụng mạnh mẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023. Số liệu việc làm tăng đột biến trong tháng 1 đã đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,4%, mức thấp nhất trong 53 năm.

Những thông tin kinh tế tích cực trong vài tháng qua đã giúp một số nhà kinh tế trở nên lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers. Nhưng chúng vẫn không đủ để xóa bỏ sự bi quan của công chúng Mỹ về nền kinh tế, thị trường chứng khoán và mọi vấn đề liên quan.

Khảo sát công bố ngày 6/2 của Gallup cho thấy đa số người Mỹ dự báo lạm phát và lãi suất sẽ đi lên trong 6 tháng tới. Tương tự, họ thấy bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế và diễn biến của thị trường chứng khoán trong cùng giai đoạn.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước đánh dấu việc tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng thứ 6. CPI tháng 12 tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021, mức tăng chậm nhất trong hơn một năm.

 

Nhưng 67% người trưởng thành tại Mỹ dự đoán lạm phát sẽ đảo chiều đi lên trong nửa đầu năm nay, trong đó 39% dự đoán lạm phát sẽ “tăng rất mạnh”, theo khảo sát do Gallup tiến hành từ ngày 2/1 đến 22/1.

Gần 75% người Mỹ dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục lên cao trong 6 tháng tới và đè nặng lên tăng trưởng kinh tế. Khoảng 43% dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong năm nay. Về việc làm, 41% người Mỹ cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên trong vài tháng tới.

Khảo sát mới nhất của Gallup đã nhấn mạnh tâm lý bi quan dai dẳng của người Mỹ, cũng như khoảng cách ngày càng lớn giữa thực tế được thể hiện qua các chỉ số và nhận thức của công chúng.

Tin tốt

Theo tờ Fortune, khác biệt giữa thực tế và nhận định kinh tế của công chúng được thể hiện rõ nhất qua câu hỏi liệu nước Mỹ có đang ở trong suy thoái hay không. Gần một nửa người trả lời cho rằng câu trả lời là “có”, theo khảo sát tháng 1 do Morning Consult tiến hành. Nhưng hều hết các chỉ báo hiện nay đều cho thấy nền kinh tế vẫn cách xa suy thoái.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 6/1 với đài ABC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định: “Nước Mỹ không thể suy thoái khi mà chúng ta tạo ra 500.000 việc làm mới trong một tháng và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn 50 năm”.

Tăng trưởng tiền lương đã giảm tốc và chi tiêu tiêu dùng cũng suy yếu trong những tháng cuối cùng của năm 2022. Điều này giúp làm tăng sức thuyết phục cho nhận định lạm phát đang trên đà đi xuống. Tuy nhiên, chính những yếu tố này cũng tác động xấu đến người lao động và có thể là lý do khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế.

Tiền lương danh nghĩa của người lao động Mỹ tăng 5,1% trong năm 2022 nhưng lạm phát cao khiến cho tiền lương thực tế giảm 1,2%.

Chủ nghĩa bi quan

Những tin tức kinh tế gần đây đều mang sắc thái lạc quan, nhưng vì sao hầu hết người Mỹ vẫn thấy bi quan?

Một trong những yếu tố quan trọng có lẽ là mối liên kết giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế, theo khảo sát của Gallup. Chứng khoán Mỹ đã chao đảo trong suốt năm qua và theo các dự báo thì sớm nhất là đến cuối năm nay thị trường mới có thể phục hồi.

Chỉ 31% những người được khảo sát bởi Gallup kỳ vọng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ cải thiện trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, có tới 48% người dự đoán thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa khi lãi suất gia tăng – tỷ lệ cao nhất từ trước đến giờ.

Lập trường chính trị cũng ảnh hưởng đến sự bi quan của người Mỹ. Dự đoán lạm phát của những người theo Đảng Cộng hòa cao hơn những người thuộc Đảng Dân chủ. Những người ủng hộ Đảng Cộng hòa cũng có nhiều khả năng bi quan về thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và việc làm hơn là những người theo Đảng Dân chủ.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.