|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng giao dịch chứng khoán trong 5 ngày sau thảm họa động đất kép

10:03 | 09/02/2023
Chia sẻ
Sàn Borsa Istanbul tạm ngưng mọi giao dịch cổ phiếu và chứng khoán phái sinh sau khi thị trường  cắm đầu giảm mạnh và nhà đầu tư hoảng loạn vì hai trận động đất lớn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Đống đổ nát tại thành phố Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2. (Ảnh: Getty Images). 

Rơi vào thị trường gấu

Sàn Borsa Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng giao dịch trong 5 ngày và hủy bỏ mọi thoả thuận được thực hiện vào ngày 8/2. Quyết định trên được đưa ra sau khi vốn hoá thị trường bốc hơi hàng chục tỷ USD bởi cuộc bán tháo diễn ra sau hai trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển đất nước.

Borsa Istabul thông báo các giao dịch cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn đã bị tạm dừng vào ngày 8/2 và sẽ nối lại vào ngày 15/2. Đây là lần đầu tiên trong 24 năm sàn giao dịch này tạm ngừng hoạt động.

Borsa Istanbul cũng hủy bỏ mọi giao dịch được tiến hành vào sáng ngày 8/2, tức trước khi có thông báo tạm hoãn, lấy lý do là khối lượng giao dịch thấp.

Trước khi có thông báo hủy bỏ giao dịch, các cổ phiếu trong chỉ số Borsa Istanbul 100 đã đánh mất 35 tỷ USD vốn hóa và đang trên đà ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Dù không tính đến các giao dịch hôm 8/2 thì cuộc bán tháo trong hai ngày trước đó cũng đã khiến 21 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường.

Hôm 7/2, chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống thị trường gấu sau khi sụt giảm 20% kể từ đỉnh tháng 1. Tính từ đầu năm đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.

 

Ông Haydar Acun, đối tác tại công ty quản lý tài sản Marmara Capital ở Istabul, nhận xét: “Trong lúc thảm họa diễn ra như hiện nay, việc ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán là quyết định tốt để bảo vệ nhà đầu tư”.

Đầu tư cổ phiếu là biện pháp thông dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ để phòng vệ trước lạm phát cao. Trong năm 2022, có thời điểm lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vọt lên 86%.

Số người tử vong từ hai trận động đất lớn hồi đầu tuần, gây thiệt hại nặng nề cho 10 thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực của nước láng giềng Syria, đã lên tới 11.000 người.

Các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để giải cứu hàng chục nghìn nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ xây dựng lại vùng thảm họa sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng.

Hoảng loạn

Ký ức về năm 1999, khi một động đất tấn công khu công nghiệp gần Istabul, là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng sợ trong tuần này. Khi đó, chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ bị ngừng giao dịch trong một tuần.

Ông Mehmet Gerz, Giám đốc đầu tư của công ty Ata Portfoy ở Istabul, bình luận: “Tâm lý hốt hoảng và bi quan trên thị trường hiện nay có thể đã làm tăng rủi ro và tước đi khả năng suy nghĩ lý trí của nhà đầu tư. Quyết định hủy bỏ và tạm ngừng giao dịch của sàn Borsa Istabul xuất hiện hơi trễ nhưng vẫn đúng đắn”.

Một số cơ chế “ngắt mạch” tự động tại thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã được kích hoạt vào ngày 7 và 8/2 sau khi cơ quan quản lý nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa được đặt ra hôm 6/2.

Theo dữ liệu tháng 1 từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ, tổng số nhà đầu tư chứng khoán tại những thành phố bị ảnh hưởng bởi động đất vào khoảng 380.000 người. Con số này bằng khoảng 10% tổng số tài khoản đầu tư cổ phiếu trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi giao dịch bị ngừng, một số công ty đã cố gắng giảm bớt thiệt hại tới cổ phiếu bằng cách thông báo chương trình mua lại cổ phiếu, bao gồm công ty viễn thông nhà nước Turk Telekomunikasyon và nhà mạng viễn thông di động Turkcell Iletisim Hizmetleri.

Trên Twitter, hashtag “#borsadaislemleriptaledilsin” – kêu gọi việc hủy bỏ các giao dịch trong tuần này trên sàn Borsa Istabul – là một trong những chủ đề phổ biến nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/2.

Ông Gokhan Uskuay, nhà quản lý quỹ tại công ty quản lý danh mục Allbatross, cho biết: “Thanh khoản đang thiếu hụt, do đó nếu thị trường tiếp tục mở cửa thì sẽ càng lao dốc”.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.