Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày siêu khuyến mại 12/12
Đua nhau giảm giá ngày 12/12
Cuối năm là dịp nhiều chương trình giảm giá mua sắm diễn ra. Các ngày hội mua sắm sẽ là khoảng thời gian mà người tiêu dùng đổ tiền đi săn khuyến mãi. Bằng chứng là việc qua mỗi năm, doanh thu từ những ngày siêu khuyến mại lại tăng lên.
Ở Mỹ, Black Friday (ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 11) và Cyber Monday (ngày thứ hai liền sau Black Friday) là những ngày hội mua sắm lớn, thậm chí có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.
Ở Trung Quốc, người dân có thể săn hàng khuyến mại trong Ngày độc thân 11/11. Tại Việt Nam, Online Friday (ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 12) cũng đã được tổ chức năm thứ 6 liên tiếp bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Tiki, Lazada, Sendo, Shopee đều có những chương trình giảm giá sâu trong ngày 12/12.
Ngoài ra, với các tín đồ mua sắm tại Việt Nam ngày 12/12 cũng là một ngày đáng nhớ để họ mua sắm săn các chương trình khuyến mại. Các trang thương mại điện tử tại Việt Nam như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee đều có những chương trình hấp dẫn lôi kéo người tiêu dùng.
Không chỉ các sàn thương mại điện tử, nhiều hãng bán lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực điện thoại và phụ kiện cũng tung ra nhiều chương trình giảm giá.
Các đơn vị bán lẻ điện thoại di động và phụ kiện cũng tranh thủ có những chương trình kích cầu trong ngày 12/12
Tại Trung Quốc, Alibaba, Taobao, Pinduoduo và JD.com đều có những ưu đãi cho người tiêu dùng trong ngày 12/12. Thậm chí trước đây, Taobao còn có những ưu đãi bằng tiền mặt. tức là trang thương mại điện tử sẽ trả tiền trực tiếp cho khách mua hàng.
Những trang thương mại điện tử ở Trung Quốc như Taobao cũng có chương trình sale trong ngày 12/12
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 12/12
Ngày 12/12 có bắt nguồn từ Trung Quốc với tên gọi Shuangshier. Giống như ngày độc thân 11/11, đây là ngày mà các sàn thương mại điện tử bên Trung Quốc (Alibaba, JD.com) triển khai những chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng vào dịp cuối năm.
12/12 là dịp các đơn vị bán lẻ "vợt" nốt những khách hàng đã bỏ lỡ ngày độc thân 11/11 trước đó. Do đó có thể coi Shuangshier chính là Cyber Monday ở châu Á.
Trên thực tế, các trang thương mại điện tử bắt đầu sử dụng ngày 12/12 như một ngày để tung ra các chương trình khuyến mại chỉ bắt đầu từ năm 2014 và doanh nghiệp khởi xướng là Alibaba. Chương trình nhanh chóng lan sang Đài Loan, Hong Kong và Macau.
Người khởi xướng Shuangshier chính là Alibaba với mục đích khuyến khích người dùng ví điện tử Alipay. Ảnh: SMCP
Mục đích ban đầu của Alibaba là kích cầu người dùng vào ví thanh toán Alipay khi họ đang tụt hậu so với WeChat của Tencent. Chương trình giảm giá 12/12 mang đến thành công cho Alipay khi ở lần thứ hai tổ chức vào năm 2015, ví điện tử này đã có thêm 19,5 triệu người dùng.
Để đạt mục đích, thậm chi trang thương mại điện tử Taobao còn từng có chương trình tặng tiền mặt cho khách hàng tạo danh sách mua sắm cá nhân và chia sẻ với bạn bè. Điều này cho thấy Alibaba, tập đoàn sở hữu Taobao, sẵn sàng chi đậm để kéo thêm khách hàng.
Ngoài ra, không chỉ các hãng bán lẻ ở Việt Nam và Trung Quốc hưởng ứng Shuangshier. KFC, McDonalds, Carrefour, Wal-Mart, Family Mart, Seven-Eleven và Uniqlo từng triển khai chương trình giảm giá trong ngày 12/12.