|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, săn lùng hàng giá rẻ trong ngày lễ Độc thân (11/11)

20:00 | 11/11/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lễ Độc thân (11/11), ngày lễ mua sắm lớn nhất năm của thị trường Trung Quốc, dường như đang trở về đúng nghĩa đen - một mình cố thủ.

Trong những năm gần đây, bà Shen Ling (48 tuổi) cũng như 900 triệu người tiêu dùng số Trung Quốc khác đều mong chờ ngày hội mua sắm lớn nhất năm - Ngày Độc thân. Bà Shen thường chi hàng chục nghìn nhân dân tệ cho các đợt giảm giá trong ngày này.

Bản thân Shen Ling là một người có công việc ổn định trong nhà nước nhưng thu nhập của nữ công chức này đã giảm khoảng 1/4 từ năm 2021 và điều đó khiến cho thói quen tiêu dùng của bà cũng thay đổi. “Tôi đang kiểm soát việc mua sắm những mặt hàng đắt tiền trong năm nay, ví dụ như không lên đời điện thoại, chọn mỹ phẩm nội địa chứ không phải thương hiệu nước ngoài", bà nói.

Theo South China Morning Post, những lựa chọn thận trọng như bà Shen Ling, phản ánh suy nghĩ của người tiêu dùng Trung Quốc trong lễ hội Ngày Độc thân năm nay. Họ tiếp tục thắt chặt hầu bao, kể cả khi đã có những dấu hiệu cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 1,3% trong quý III so với ba tháng trước đó và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa đảm bảo được sự phục hồi vững chắc trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản èo uột và tiêu dùng nội địa yếu kém. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm 0,2% trong tháng 10 so với một năm trước đó.

 Quảng cáo của Alibaba cho lễ Độc thân năm nay. (Ảnh: Reuters).

Theo báo cáo của Bain & Co, hơn 3/4 trong số 3.000 người tiêu dùng được khảo sát gần đây có kế hoạch chi tiêu ít hơn hoặc duy trì mức chi tương đương với năm ngoái trong Ngày Độc thân năm nay.

Báo cáo cho biết: “Những trở ngại kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng có ý thức hơn về những chỉ số vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và những lo ngại về thị trường bất động sản”.

Thực trạng đó khiến các gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc phải tung ra nhiều giá trị hơn là giảm giá để thu hút những người tiêu dùng không muốn chi tiêu.

Kenny Yao, giám đốc công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Các nền tảng mua sắm trực tuyến đang cố gắng tạo sự khác biệt để giành người tiêu dùng. Họ nhận thấy sự tăng trưởng người dùng thương mại điện tử của Trung Quốc đang dần chậm lại.”

Theo một báo cáo gần đây của AlixPartners, Taobao và Tmall vẫn là các thị trường trực tuyến hàng đầu dành cho người tiêu dùng Trung Quốc trong Ngày Độc thân năm nay. Trong số 2.150 người tiêu dụng được khảo sát, 92% cho biết họ có ý định mua hàng từ Taobao hoặc Tmall. JD.com đứng thứ hai trong cuộc khảo sát, tiếp theo là Douyin do ByteDance sở hữu và Pinduoduo của PDD.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng và nền kinh tế trì trệ, ngành thương mại điện tử Trung Quốc không mong đợi đạt được doanh thu kỷ lục khác trong Ngày Độc thân năm nay. Năm ngoái, JD.com và Alibaba đã có lần đầu tiên không tiết lộ tổng số lượng hàng hóa hoặc doanh thu của ngày Độc thân.

Ông Zhang Yi, người sáng lập của công ty tư vấn thị trường iiMedia cho biết: “Double 11 (11/11) năm nay rất khác so với năm trước vì nó đánh dấu một cuộc giằng co giữa các trang thương mại điện tử truyền thống và các nền tảng phát trực tiếp”.

“Thương mại điện tử phát trực tiếp đã phát triển nhanh chóng nhờ mức giá thấp cũng như chi phí thu hút khách hàng thông qua các video ngắn ít hơn”, Yi nói thêm.

Tmall của Alibaba cho biết họ đang tập trung vào đưa ra các ưu đãi tốt nhất ở phân khúc sản phẩm được đánh giá cao. Nền tảng của họ có hơn 80 triệu sản phẩm với mức giá thấp nhất trong năm nay. Trong khi đó, đối thủ JD.com đưa ra chương trình hỗ trợ 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) kể từ tháng 3. Công ty cũng cung cấp bảo hành giá tốt nhất trong 30 ngày cho hơn 800 triệu sản phẩm.

JD.com "chơi lớn" khi thông báo rằng nếu người mua hàng tìm thấy hàng hóa có giá cả phải chăng hơn ở nơi khác so với các mặt hàng của JD.com trong thời gian khuyến mãi, công ty thương mại điện tử này sẽ bồi thường cho họ khoản chênh lệch giá.

Mặc dù vẫn chưa rõ doanh số bán hàng cuối cùng của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc sẽ như thế nào trong năm nay, nhưng hầu hết các nền tảng đều mong đợi ở mức tương đương năm ngoái, giữa bối cảnh người tiêu dùng có thái độ thờ ơ với việc mua sắm trong dịp lễ này.

Emily Zhao (26 tuổi) cho biết: “Tôi không có hứng thú mua những mặt hàng khác ngoài nhu yếu phẩm hàng ngày, bất kể các nền tảng có khuyến mãi giảm giá đến mức nào”.

Là người chơi game lâu năm, Zhao cho biết cô đã chi gần 6.000 nhân dân tệ để mua một máy chơi game cầm tay trong Ngày Độc thân năm ngoái nhưng niềm đam mê của cô đã giảm nhiệt trong năm nay. Cô nhận ra rằng có xu hướng giảm chi trong năm nay. Nữ nhân viên văn phòng chứng kiến ngày càng ít người đến các trung tâm mua sắm ở Thượng Hải. Ngoài ra, một số lượng lớn các công ty internet, bao gồm cả công ty nơi cô làm việc, đã bắt đầu sa thải nhân viên vào năm ngoái.

 Nhân viên đóng gói hàng cho lễ hội mua sắm năm nay. (Ảnh: Agence France-Presse).

Capy Ding là một người tiêu dùng khác cũng đang thắt lưng buộc bụng. Cô từng mua tích trữ kính áp tròng và các sản phẩm chăm sóc da cho cả năm, vào dịp lễ hội mua sắm trước đây.

“Những năm trước, tôi thường chi khoảng 2.000 nhân dân tệ để mua đủ kính áp tròng cho cả năm, nhưng lần này tôi chỉ có thể tích trữ trong nửa năm với số tiền tương tự. Điều đó có nghĩa là giá đã tăng gấp đôi. Tôi chắc chắn phải tiết chế lại trong năm nay", Ding nói.

Nền tảng Pinduoduo cho biết hành vi mua hàng của người dùng đã thay đổi, họ chỉ mua những gì họ cần, thay vì chi tiêu một cách mù quáng.

Pinduoduo chỉ ra rằng các bà mẹ và thế hệ trẻ sinh sau năm 2000 ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 ưa chuộng các thương hiệu nội địa hơn, từ mỹ phẩm đến thời trang. Trong khi đó, giới văn phòng ở các thành phố cấp 1 lại tập trung vào nhu yếu phẩm hàng ngày như trái cây, thức ăn...

Sự trỗi dậy của các thương hiệu nội, có giá thành rẻ hơn, được tiếp thị rầm rộ tới người tiêu dùng Trung Quốc cũng ngày càng đe dọa thị phần của các thương hiệu nước ngoài.

Kenny Yao cho biết: “Trước đây, nhiều thương hiệu nước ngoài đã tạo ra hình ảnh cao cấp hơn, điều này dường như hấp dẫn một cách tự nhiên đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận này có thể trở nên khó khăn hơn trong tương lai.”

Với Shen Ling, bà nhận thấy rằng người tiêu dùng địa phương phải thích ứng với tình trạng hiện tại của thị trường. Bà nói: “Nền kinh tế có những chu kỳ riêng của nó và chúng ta phải sống chung với chúng".

Bà Shen vừa nhận được thông báo từ hãng mỹ phẩm Estee Lauder rằng tư cách thành viên cao cấp của bà sẽ bị hạ vì không mua bất kỳ sản phẩm nào của thương hiệu trong thời gian qua. Shen cho biết bà hài lòng với lựa chọn của mình.

Thùy Trang