|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà bán lẻ quay cuồng trong cuộc chiến giá khốc liệt trước Ngày độc thân

08:30 | 10/11/2023
Chia sẻ
Nền kinh tế bấp bênh của Trung Quốc đã tác động đến “Ngày độc thân” - sự kiện mua sắm thường niên lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, các sàn thương mại điện tử đã phát động cuộc chiến giá khốc liệt để thu hút khách hàng, tờ CNN viết.

Ngày độc thân 11/11 (Singles Day) được Alibaba khởi xưởng vào năm 2009 và đã biến thành một mùa mua sắm kéo dài hàng tuần ở Trung Quốc. Các nhà bán lẻ thường xuyên đạt được doanh số cao hơn cả ngày mua sắm Black Friday và được coi là một chỉ báo về khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.

Các công ty đưa ra những slogan hấp dẫn để thúc đẩy doanh số bán hàng, chẳng hạn như “11/11, Giá rẻ mỗi ngày” của Alibaba hay “Giá rẻ thực sự” của JD.com và “Giá thực sự rẻ mỗi ngày” của Pinduoduo.

“Cuộc chiến giá là lợi thế cạnh tranh lớn nhất giữa các sàn thương mại điện tử Trung Quốc trong năm nay”, các nhà phân tích tại Citi cho biết. Giới phân tích dự báo doanh số bán hàng trong ngày độc thân năm nay sẽ “kém sôi động” do điều kiện kinh tế ảm đạm và tâm lý chi tiêu thận trọng.

 Alibaba chuẩn bị cho ngày lễ độc thân. (Ảnh: CNN).

Alibaba, sở hữu các sàn thương mại Taobao và Tmall.com, cho biết sẽ cung cấp hơn 80 triệu sản phẩm "với giá thấp nhất trong năm" trong thời gian diễn ra sự kiện. Trong khi đối thủ JD.com giảm 50% cho các thiết bị điện tử và cơ hội cho người mua các sản phẩm bán chạy nhất với giá 1 nhân dân tệ.

Bắc Kinh hy vọng rằng việc mở cửa trở lại sau COVID-19 sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là khi xuất khẩu của nước này đang giảm và hiệu quả từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang giảm dần.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức chồng chất, từ tỷ lệ thất nghiệp cao đến mức thu nhập giảm sút, và đã cắt giảm chi tiêu. Để thu hút họ, các nền tảng thương mại điện tử đang đưa ra mức giá cực thấp trong ngày độc thân năm nay.

Người mua ở đâu?

Tầng lớp trung lưu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không có một năm dễ dàng.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6, trước khi chính phủ ngừng công bố dữ liệu. Tăng trưởng tiền lương cũng trì trệ, làm giảm thu nhập khả dụng bình quân.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng trước đại dịch vào năm 2019.

Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại S&P Global Ratings, cho biết: “Trong khi chính phủ đang tìm kiếm tăng trưởng tiêu dùng bền vững, thì người tiêu dùng đã chi tiêu ít hơn do mức thu nhập hộ gia đình giảm và niềm tin yếu”.

Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản - chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình của Trung Quốc bị liên đới, đã càng hạn chế khả năng chi tiêu của họ.

Ông Kuijs nhận định: “Triển vọng ảm đạm đối với thị trường nhà ở, sẽ mất thời gian để niềm tin của người tiêu dùng được phục hồi”.

 Nhân viên một sàn thương mại điện tử chuẩn bị cho ngày độc thân. (Ảnh: CNN).

Việc giảm giá mạnh cũng phản ánh sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc.

Ông Jacob Cooke, đồng sáng lập và CEO của WPIC Marketing + Technologies, một công ty tư vấn thương mại điện tử, cho biết: “Sự giằng co về giá cả, sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử cũng nhiều như thực trạng của người tiêu dùng”.

Nhưng các nhà phân tích không chắc liệu giá thấp hơn có đủ để thu hút người tiêu dùng hay không.

Theo một khảo sát được Bain and Company công bố vào đầu tuần này, hơn 3/4 người mua hàng Singles Day được khảo sát có kế hoạch chi tiêu ít hơn hoặc duy trì chi tiêu ở mức tương tự năm ngoái.

Công ty nghiên cứu cho biết: “Chỉ có 53% người mua hàng nói với chúng tôi rằng họ hào hứng với ngày độc thân, so với 76% vào năm 2021”.

Theo WPIC Marketing + Technologies, chi tiêu đang giảm đối với “hàng tiêu dùng nhanh” như thực phẩm và đồ uống.

Trên mạng xã hội, các hashtag “downgraded consumption” (giảm chi tiêu) và “if I don’t buy, I can save 100%” (nếu tôi không mua, tôi có thể tiết kiệm 100%) đã trở thành những chủ đề thịnh hành.

Một người dùng nói: “Tôi đã chi 250.000 nhân dân tệ (34.300 USD) cho Pinduoduo vào năm ngoái, nhưng chỉ chi 80.000 nhân dân tệ (14.890 USD) từ đầu năm đến nay. Đây là một hành động giảm chi tiêu thực sự”. Cô nói thêm rằng cô vẫn chưa chi bất kỳ khoản tiền nào trong mùa Singles Day hiện tại.

Một người dùng khác có tên “Nyanko” cho biết: “Một số chương trình khuyến mãi là giả. Các nhà bán lẻ đã tăng giá trước khi giảm giá cho ngày độc thân?”.

CEO Cooke cho biết sức hấp dẫn của những ngày mua sắm đối với người tiêu dùng đã giảm xuống trong những năm qua vì hiện có quá nhiều chương trình khuyến mãi trong suốt cả năm.

Chi tiêu cho sức khỏe, chăm sóc bản thân

Nhưng không phải tất cả người tiêu dùng đều đang cắt giảm chi tiêu.

Theo Cooke, ông đã quan sát thấy một “nhu cầu khổng lồ” đối với các trải nghiệm hoặc sản phẩm nâng cao sức khỏe, lối sống và thể hiện bản thân ở nhóm người tiêu dùng trung và thượng lưu.

Chẳng hạn, các sản phẩm như vitamin, chăm sóc thú cưng, trang phục thể thao và thậm chí là các hàng xa xỉ đang phát triển nhanh chóng.

Nike, được định vị là một thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc, đã báo cáo một quý tăng trưởng mạnh trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 8. Giám đốc điều hành Nike, ông John Donahoe, cho biết: “Thể thao đã trở lại Trung Quốc, bạn có thể cảm nhận được điều đó”.

Hãng Lululemon cũng báo cáo doanh thu tại Trung Quốc tăng 61% trong quý III năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng doanh thu tổng thể là 18%. Starbucks đã ghi nhận quý thứ ba doanh thu cao kỷ lục vào tháng 8, nhờ doanh số tăng vọt ở Trung Quốc.

CEO Cooke nhận xét: “Thực tế là một thương hiệu như Nike có thể ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán hàng mà không cần giảm giá bán là một điểm nổi bật giữa những áp lực kinh tế vĩ mô, cho thấy nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc có khả năng phục hồi cao”.

Đức Huy (theo CNN)