Người trồng cà phê Colombia chật vật thích nghi với biến đổi khí hậu
Vị trí địa lý độc đáo giúp Colombia trở thành quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, mỗi năm xuất khẩu 2,64 tỷ USD cà phê arabica núi cao đến nhiều nước trên khắp thế giới. Chỉ có Brazil và Việt Nam xuất khẩu nhiều cà phê hơn nước này.
Dù cà phê Colombia có mặt khắp nơi trên thế giới, các trang trại cà phê nước này nhìn chung vẫn thuộc sở hữu gia đình và có quy mô khiêm tốn, thường chỉ vào khoảng 2 – 5 ha.
Những vùng núi màu mỡ đang đối mặt với các rủi ro liên quan đến thời tiết, như xói mòn và sạt lở. Hiện nay, vùng trồng cà phê nước này đang ngày càng dễ tổn thương hơn trước các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn hán và côn trùng tấn công.
Đối với 300 nghìn người trồng cà phê Colombia, hiểm họa từ các hình thái thời tiết cực đoan, cùng với vụ mùa ngày càng khó dự đoán, dịch bệnh và côn trùng liên quan đến biến đổi khí hậu, đang đe dọa kế sinh nhai của họ.
Vùng Risaralda có vị trí địa lý độc đáo, thích hợp để trồng cà phê nhưng cũng dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu. Nguồn: Natalie White/The Conversation. |
Trồng cà phê thời biến đổi khí hậu
Từ năm 2008 đến 2013, sản lượng cà phê Colombia giảm xấp xỉ 33% do các hình thái thời tiết khắc nghiệt mà El Niño và La Niña gây ra, khiến lượng mưa và các đợt nắng nóng đều tăng vọt.
Quốc gia Nam Mỹ này từ đó đã tìm cách tăng sản lượng, và năm nay người trồng cà phê Colombia dự kiến sẽ sản xuất 13,3 triệu bao cà phê, tương đương 816.466 tấn, tăng khoảng 23% so với năm 2013.
Tuy nhiên, con số này vẫn cách xa mục tiêu sản lượng toàn quốc ở mức 14,7 triệu bao. Hiệp hội Cà phê Quốc gia Colombia cho rằng thực trạng trên là do lượng mưa và mây che phủ lớn.
Thậm chí trước khi biến đổi khí hậu đe dọa mùa màng, người trồng cà phê Colombia đã đối mặt với biên lợi nhuận rất thấp.
Phần lớn nhà sản xuất bán cà phê cho Hiệp hội Cà phê Quốc gia Colombia, một hợp tác xã phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1927 để đại diện người trồng cà phê nước này cả trong nước và quốc tế. Hiệp hội này định giá cà phê xuất khẩu của Colombia dựa trên thang giá kết nối với Sàn giao dịch Chứng khoán NewYork.
Vì giá cà phê biến động từng ngày, rất khó để tính toán lợi nhuận hoặc thiệt hại chính xác của mỗi người trồng cà phê. Nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ trồng cà phê nhỏ lẻ tại Colombia còn không thể hòa vốn.
Trong bối cảnh đó, chỉ cần một vụ mùa thất bát cũng có thể làm tiêu tan trang trại cà phê của gia đình.
Thu hoạch cà phê tại Combia, vùng Risaralda. Nguồn: Kaveh Kazemi/Getty Images. |
Người nông dân chật vật thích nghi với biến đổi khí hậu
Để thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu tại Colombia, một số nông dân ở đây đã bắt đầu thử nghiệm các kỹ thuật canh tác mới mà họ hy vọng có thể giảm nhẹ tác động của khí hậu.
Gần 1/3 nông dân được khảo sát trồng thêm một số loại cây để tạo bóng mát cho cây cà phê trong những giai đoạn nắng nóng và chống xói mòn đất khi có mưa bão. Những người khác thì xây dựng các bể chứa để trữ nước cho mùa khô hạn.
Một số nông dân còn xen canh một số loại cây khác để đa dạng hóa mùa vụ như chuối và bơ để hạn chế thiệt hại khi một trong những loại cây mất mùa.
Tuy nhiên, 1/3 người trồng cà phê được khảo sát cho biết họ vẫn canh tác theo cách mà gia đình họ đã làm suốt hàng thế kỷ qua.
Không phải họ không lo ngại biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ. Tuy nhiên, áp lực thời gian và thiếu nguồn lực khiến họ không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung vào các nhu cầu ngắn hạn như trả tiền thuê nhân công, trả nợ và trang trải cuộc sống hàng ngày.
Người trồng cà phê Colombia đã thấy tác động của biến đổi khí hậu nhưng không biết phải thích ứng như thế nào. Nguồn: Jose Gomez/Reuters. |
‘Giữ lửa’ ngành cà phê Colombia
Các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu là mối quan ngại không riêng của người nông dân mà cả nền kinh tế Colombia.
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của quốc gia Nam Mỹ này, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Ngành cà phê thu về khoảng 1,97 tỷ USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 800 nghìn người.
Các nền kinh tế đang phát triển khác, nơi ngành cà phê đang chịu thiệt hại nặng do biến đổi khí hậu, như Brazil và Tanzania, đã áp dụng một số chiến lược thích nghi hiệu quả, trong đó có giới thiệu các giống cà phê mới, cải thiện hệ thống quản lý nước và đất trồng, hỗ trợ nông dân tiếp cận các khoản vay và dịch vụ tài chính khác để khắc phục thiệt hại hoặc đầu tư vào công nghệ mới.
Các nghiên cứu cho thấy việc hướng dẫn người dân canh tác trong điều kiện khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về tác động của biến đổi khí hậu đến người dân ở hiện tại và tương lai. Điều này có nghĩa, phải hỏi người trồng cà phê họ nghĩ gì và cảm thấy thế nào về những gì đang diễn ra để thiết kế các kế hoạch ứng phó thật sự hiệu quả.
Đó là công việc mà nhiều chuyên gia đang bắt tay thực hiện tại Risaralda với hy vọng hỗ trợ chính phủ Colombia hợp tác với người nông dân để giúp họ thích nghi với tình hình thời tiết ngày càng cực đoan và khó lường.
Trồng cà phê thời biến đổi khí hậu đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề về kinh doanh, lao động, thông tin và kinh tế. Người trồng cà phê Colombia rất muốn thành công nhưng họ cũng cần sự hỗ trợ trong các lĩnh vực trên để tồn tại.