|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người phụ nữ mồ côi biến rác thành chế phẩm sinh học

10:02 | 20/10/2017
Chia sẻ
Ước mơ của Trịnh Thị Hồng – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ phường Hòa Phú 5 quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng - là tìm ra hướng đúng để bản thân mình và những người phụ nữ khác thoát nghèo.

Câu chuyện biến rác thành chế phẩm sinh học của chị Trịnh Thị Hồng một lần nữa đã chứng minh sự mạnh mẽ của những người phụ nữ Việt, luôn biết vượt qua nghịch cảnh trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất.

Ý tưởng đến trong mùi rác

Ngược dòng thời gian trở về mấy chục năm trước, khi mang bầu đứa con gái là chị Trịnh Thị Hồng, người mẹ chị đã nhận được tin sét đánh: người chồng thân yêu qua đời. Gắng gượng tặng cho con cuộc sống, sau khi sinh xong, mẹ chị Hồng cũng theo chồng đi xa, để lại mình con gái côi cút giữa cuộc đời. Chị Hồng lớn lên trong vòng tay bao bọc của xã hội.

nguoi phu nu mo coi bien rac thanh che pham sinh hoc
Chị Trịnh Thị Hồng chia sẻ với phóng viên báo chí về sản phẩm sản xuất từ rác thải hữu cơ.

Sự cưu mang và hàm ơn đó quá lớn nên trong chị luôn nung nấu một suy nghĩ phải làm một điều gì đó trả ơn cuộc đời. Trong suốt những năm tháng làm công nhân, chứng kiến bản thân mình cũng như rất nhiều người phụ nữ quanh mình chưa thể thoát khỏi đói nghèo do thiếu trình độ, kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, chị Hồng canh cánh mơ ước tìm ra một hướng đúng để bản thân mình và những người phụ nữ khác thoát nghèo.

“Ý tưởng biến rác hoa, rau, củ thành chế phẩm sinh học đến với tôi trong một lần bị ngạt thở bởi mùi rác” – chị Hồng kể lại. Số là hôm đó, khu phố nhà chị xe vận chuyển rác bị hỏng, 4 ngày liền rác “tấn công” đường phố với mùi hôi đặc trưng khó chịu. Nhìn đống rác thấy loại rác bị phân hủy nhanh và bốc mùi mạnh nhất chính là mớ đầu thừa đuôi thẹo của rau, củ, quả, rồi các loại hoa trang trí, hoa cúng đã héo, chị Hồng nảy ra suy nghĩ: “Giá như có thể biến loại rác này thành sản phẩm vừa có giá trị sử dụng vừa bảo vệ môi trường”.

Vừa hay, năm 2012, chị Hồng là đại diện cho phụ nữ Đà Nẵng tham dự hội nghị của Hiệp hội Cộng đồng nghèo đô thị khu vực châu Á tại Philippinnes. Tại đây, chị đã được nghe về những việc làm cải tiến giúp ích cho cộng đồng. Đặc biệt chị Hồng có ấn tượng mạnh mẽ với phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường của đoàn đại biểu đến từ Nhật Bản. Ngay sau khi trở về nhà, chị Hồng đã hăm hở bắt tay ngay vào áp dụng mô hình vừa được học để chế biến nước rửa chén bát, nước lau sàn nhà từ rác hoa, rau, củ, quả.

75 ngày không thể quên

Phương pháp chế biến nước rửa chén bát, nước lau sàn nhà từ rác hoa, rau, củ, quả của chị Hồng về mặt lý thuyết thì rất đơn giản. Đó chỉ là các loại rác thải từ hoa, rau, củ, quả rửa sạch, để ráo, cho vào thùng nhựa cùng 3gram đường hòa tan cùng 10 lít nước đậy kín, đặt nơi thoáng mát; sau 30 ngày mang hỗn hợp lên men này ra lọc bỏ phần rác để lấy dung dịch thô màu vàng; qua quá trình lọc chiết nhiều lần và trộn với chất hữu cơ chiết xuất từ dừa tạo độ sánh, có bọt, mùi thơm, thì cứ 10 lít dung dịch cho ra 2 lít thành phẩm. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm chị Hồng mới cảm thấy dường như mình đang húc đầu vào đá bởi thiếu kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm.

Để sản xuất được hai sản phẩm nước rửa chén bát và nước lau nhà từ rác đạt chuẩn chất lượng, chị Hồng đã trải qua 75 ngày vật vã nghiên cứu cải tiến, nếm trải hết thất bại này đến thật bại khác với số tiền tiêu tốn lên tới con số 200 triệu đồng. Đã thế, bạn bè, người thân xung quanh khi biết ý định của chị còn nghi ngại sự thành công, thậm chí còn bảo chị hão huyền viển vông và không ủng hộ. Nhiều người còn nói nói thẳng suy nghĩ rằng sản phẩm làm từ rác thì ai mà tin dùng được, có làm ra cũng bỏ xó mà thôi.

Vậy mà chị Trịnh Thị Hồng đã thành công. Năm 2014 chị Hồng tham dự hội nghị quốc tế tại Cộng hòa Nepal do Viện Quốc tế về môi trường và phát triển thích ứng dựa vào cộng đồng tổ chức. Trong số 450 đại biểu đến từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, tất cả là giáo sư, tiến sĩ, chỉ mình chị là cán bộ cấp khu dân cư không học hàm, học vị bằng cấp nhưng với sản phẩm của mình, chị được mời lên diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự thán phục của bạn bè quốc tế. Cuối năm 2015, dự án của chị Hồng được chọn là một trong 8 dự án tham gia vào Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, lãnh đạo UBND Đà Nẵng chỉ đạo Sở KH&CN, Chi cục An toàn về sinh thực phẩm hỗ trợ kinh phí kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu.

Tháng 7/2016, chị Hồng thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng. Doanh thu hiện nay của công ty chị dao động khoảng 100-150 triệu đồng/tháng và mỗi tháng doanh nghiệp cung cấp 8000 lít nước rửa chén bát, lau nhà sinh học không dùng hóa chất độc hại đến môi trường và người tiêu dùng. Với sáng kiến và quyết tâm của mình, chị Hồng đã thực hiện được ước mơ “phải làm một điều gì đó trả ơn cuộc đời”. Doanh nghiệp của chị giải quyết việc làm cho gần 90 lao động tại địa phương, chủ yếu là các hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, với thu nhập 5-6 triệu đồng/người.

Đặc biệt, đến nay đã có rất nhiều tổ chức nước ngoài từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Thái Lan, Inđônêxia, Lào, Campuchia tìm đến học hỏi cách thoát nghèo, bảo vệ môi trường đặc biệt của chị Trịnh Thị Hồng. Về phần mình, chị Hồng vẫn đang tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình khi nghiên cứu, ấp ủ ý định sản xuất các loại vỏ chai đựng sau khi sử dụng có thể dùng để bón cây.

Hồng Minh