Năm 2021 là một năm đặc biệt của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (Mã: GDT) với dấu mốc năm thứ 30 mang thương hiệu đồ gia dụng, nhà bếp, đồ chơi trẻ em đến hơn 50 quốc gia và cũng là năm doanh nghiệp phải đối diện với những khó khăn chưa từng có vì đại dịch COVID-19.
Thành lập từ năm 1991, Gỗ Đức Thành vốn là một doanh nghiệp gia đình, là cơ sở chế biến gỗ Tam Hiệp do ông Lê Ba sáng lập.
Đến năm 2000, Gỗ Đức Thành chuyển đổi thành Công ty cổ phần và nhận được khoản đầu tư 1,35 triệu USD từ Quỹ Mekong Capital vào năm 2005. Đến năm 2006 ông Lê Ba mất, con gái ông là bà Lê Hải Liễu lên thay thế với vị trí vừa làm Tổng Giám đốc vừa kiêm Chủ tịch HĐQT.
Kể từ đó, thuyền trưởng Gỗ Đức Thành là nữ giới và bà cũng là người phụ nữ hiếm hoi chèo lái con thuyền kinh doanh trong một ngành hàng khá vất vả, bụi bặm và cạnh tranh như ngành gỗ nên không biết từ bao giờ bà Lê Hải Liễu đã được gọi với cái tên ấn tượng là “Nữ tướng ngành gỗ”.
Nhưng có lẽ ít người biết trước khi làm thuyền trưởng của Gỗ Đức Thành, bà Liễu từng là giảng viên Khoa Thống kê - Toán trường Đại học Kinh tế TP HCM trong 7 năm, một ngành nghề hoàn toàn khác biệt với công việc kinh doanh khắc nghiệt hiện tại và sau đó bà đi tu nghiệp hai năm tại Cộng hòa liên bang Đức.
Sau khi về nước, bà bắt đầu làm việc tại Gỗ Đức Thành và tiếp quản công ty từ cha khi mới ngoài 30 tuổi, lúc đó bà Lê Hải Liễu không tiếng tăm, không kinh nghiệm, khó khăn trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Thậm chí, nhiều nhân viên không tin tưởng khi nhìn thấy cô giáo không biết gì về gỗ hay xuất khẩu, nay đứng ra lèo lái cả doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tới nay, sau bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, bà đã lãnh đạo công ty phát triển từ một cơ sở chế biến gỗ có vốn 105 triệu đồng và 100 công nhân năm 1993 trở thành Công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2009 với số vốn 103 tỷ đồng và có hơn 1.000 cán bộ công nhân viên.
Đến nay, cập nhật theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 25, vốn điều lệ đến ngày 1/10/2021 của Gỗ Đức Thành đã tăng lên 179,8 tỷ đồng với hơn 1.200 lao động và doanh thu năm gần nhất 2020 là hơn 400 tỷ đồng.
Trong suốt quá trình phát triển của công ty, bà Liễu được xem là linh hồn, là người tập hợp lực lượng cũng như có tầm nhìn xa và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng của Gỗ Đức Thành.
Bà từng được bình chọn là Điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc năm 2003, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, đặc biệt được Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề tặng "Người đàn bà đi khắp thế gian" trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000.
Nhìn lại lịch sử tăng trưởng trong suốt thời gian qua, từ năm 2009 khi GDT niêm yết trên HOSE, có thể thấy doanh thu của Gỗ Đức Thành tăng liên tục qua các năm và lợi nhuận sau thuế cũng duy trì đà tăng.
Đáng chú ý, năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao, Gỗ Đức Thành đạt doanh thu 400 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019.
Không chỉ tăng trưởng trong khó khăn, trong năm 2020, công ty này còn mở rộng sản xuất bằng việc mua thêm 14.000 m2 đất và nhà xưởng ở Bình Dương.
Theo đó, hiện nay Gỗ Đức Thành có ba nhà máy đang hoạt động gồm nhà máy 2 tại Gò Vấp, TP HCM với diện tích 7.800 m2, nhà máy 3 tại Thị xã Tân Uyên, Bình Dương diện tích 38.000 m2 và nhà máy 4 tại Khánh Bình, Tân Uyên có diện tích 14.000 m2.
Bà Liễu được xem là linh hồn, là người tập hợp lực lượng cũng như có tầm nhìn xa và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng của Gỗ Đức Thành. (Ảnh: GDT)
Bước sang năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 15% lên 460 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 387 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 8% lên trên 86 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Gỗ Đức Thành đạt 214,6 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 37,2 tỷ đồng, tăng 24%, tương đương thực hiện được 46,6% mục tiêu doanh thu và 43,2% mục tiêu tiêu lợi nhuận năm nay.
Từ trước đến nay, thương trường vốn là con đường chông gai, không đoán trước được diễn biến tiếp theo. Thế cho nên, dù đang trên đà tăng trưởng khả quan, thì với sự bùng phát mạnh mẽ, phức tạp của dịch COVID-19, Gỗ Đức Thành cũng không thoát được sự tác động khủng khiếp của làn sóng dịch lần thứ 4 này.
Theo đó, trong khi vẫn cố gắng phòng, chống dịch bệnh tại công ty thì bất ngờ từ tháng 7 Gỗ Đức Thành phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa tình hình chung về dịch bệnh phức tạp và sự vận hành của các nhà máy.
Ban lãnh đạo đã đưa ra quyết định chưa từng có là tạm thời ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công nhân viên.
Chia sẻ với người viết, bà Lê Hải Liễu cho biết: "Quyết định ngừng hoạt động là một quyết định không hề dễ dàng".
Lãnh đạo Gỗ Đức Thành nhớ lại hồi đợt dịch tháng 4 năm ngoái, với thời gian giãn cách xã hội hai tuần, công ty cũng đứng trước quyết định tiếp tục làm hay cho người lao động nghỉ. Nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ duy trì được doanh số và quan hệ tốt với khách hàng, đứng về phía kinh doanh đó là lợi ích nhưng nếu hoạt động trong điều kiện không đủ an toàn thì ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Đến đợt dịch năm nay, còn khó khăn hơn là ngưng không biết thời hạn do dịch bệnh phức tạp, thành phố ra các chỉ thị khác nhau với thời gian giãn cách liên tục kéo dài khiến doanh nghiệp rất khủng hoảng.
Tuy nhiên, sau khi bàn tính kỹ càng, ban lãnh đạo công ty đã quyết định chọn phương án dừng sản xuất để bảo toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động vì công ty quan niệm rằng mất khách vẫn có thể tìm lại được, mất doanh số có thể tìm doanh số khác, hoặc có thể chấp nhận lợi nhuận ít lại nhưng nếu để mất con người, mất cái tình với nhau thì rất khó tìm lại được.
"Đó là văn hóa của công ty từ trước đến nay, mà cũng vừa phù hợp với nhận định của thị trường rằng nếu không quan tâm, chăm sóc cho lực lượng lao động thì khi hết dịch bệnh công ty cũng sẽ không thể sản xuất trở lại vì thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề", Chủ tịch HĐQT GDT chia sẻ.
Mặc dù không làm việc, không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải chi nhiều khoản phí như phí vận hành công ty; chi phí trả cho người lao động do ngừng việc theo Luật lao động; chi phí chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ cho công nhân khó khăn, chăm sóc các công nhân không may bị F0, F1 và cả người thân trong gia đình công nhân….
Theo bà Liễu, những điều này thể hiện sự quan tâm của công ty đối với người lao động để sau khi làm lại thì người lao động sẽ tiếp tục gắn bó với công ty và duy trì sản xuất.
Trong giai đoạn phòng, chống dịch, công ty đã tặng hai xe chuyên dụng "test COVID và chích ngừa lưu động" để nhanh chóng phủ vắc xin cho người dân và người lao động của Gỗ Đức Thành, cùng với những hỗ trợ vật tư y tế, gạo, thuốc men. (Ảnh: GDT)
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2021 diễn ra hồi tháng 5, bà đã thuyết phục các cổ đông đồng ý cho công ty phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên trước, sau đó mới chia cổ tức còn lại của năm 2020.
Điều này nghĩa là người lao động của công ty được duyệt mua cổ phiếu năm nay nhưng sẽ được hưởng một phần cổ tức của năm 2020. Đây là một khoản ưu đãi bất ngờ đối với người lao động và chưa có tiền lệ.
Theo bà Liễu nếu chọn cách tăng lương nhiều cho người lao động là điều đơn giản nhưng sẽ tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của công ty.
Trong khi đó, vì luôn mong muốn đem lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông và thực tế là bà đã làm tròn trách nhiệm của mình khi đã đem lại lợi ích cao nhất có thể cho các cổ đông thông qua những kết quả kinh doanh đạt được nên vị lãnh đạo này cho rằng đã đến lúc anh em cũng phải được hưởng phần của họ.
Nói về những điều chưa có tiền lệ kể từ khi nữ thuyền trưởng Gỗ Đức Thành dẫn dắt công ty, phải kể đến hồi năm 2009, bà Liễu cũng đã từng có một quyết định táo bạo và ngược ngạo đó là tập trung thu mua nguyên liệu giữa lúc hàng loạt khách hàng dừng ký hợp đồng xuất khẩu, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Theo lý giải của người điều hành Gỗ Đức Thành, quy luật kinh tế bao đời nay cho thấy sau khủng hoảng thường là giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Vì vậy nếu nhà máy nào sẵn sàng về mọi phương diện thì người đó sẽ thắng.
Tuy nhiên, phải chờ đợi bao lâu để chuyển sang quá trình tăng trưởng là điều không ai biết được và liệu doanh nghiệp có cầm cự nổi để chờ tới lúc hết khủng hoảng luôn là câu hỏi ngay cả người dày dặn kinh nghiệm như bà Liễu cũng khó thể trả lời.
Nhưng với bản tính liều lĩnh của người kinh doanh mấy chục năm, nữ tướng này đã quyết chớp lấy cơ hội, đầu tư nguồn vốn sẵn có để thu mua nguyên liệu với giá hời khi nguồn cung đang dư thừa. Song song đó bà tìm mọi cách để duy trì sản xuất của công ty, chờ thị trường xuất khẩu ấm lên.
Và việc chuyển hướng sang thị trường nội địa chính là giải pháp tình thế lúc bấy giờ khi đối tác xuất khẩu lần lượt ra đi. Đây cũng cuộc chuyển hướng thành công bất ngờ vì nó giúp doanh thu nội địa trước đó chiếm chưa tới 5% của công ty đã vọt lên 20% trên tổng doanh thu.
Tuy không thể bù nổi phần hao hụt do xuất khẩu chậm lại, nhưng ít ra nó cũng là cứu cánh hữu hiệu nhất thời điểm ấy. Rồi đến khi thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, sự liều lĩnh của bà cũng đến lúc thu về "trái ngọt", mang lại chiến thắng lớn chưa từng có cho Gỗ Đức Thành.
Doanh nghiệp gom hết các đơn hàng lớn, nhỏ giữa lúc các đối thủ chưa có sự chuẩn bị kịp nguyên liệu, nhân lực... còn đối tác thì liên tục hối thúc giao hàng gấp nên buộc họ phải chịu thua trước tầm nhìn xa trông rộng của nữ tướng này.
Với những người phụ nữ như bà Lê Hải Liễu, chúng ta sẽ thấy họ khác hẳn với những doanh nhân quý bà đình đám với siêu xe, các dự án bất động hàng nghìn tỷ đồng hay sở hữu những ngân hàng. Đó là sự cẩn trọng với việc làm giàu và đức tính cần kiệm.
Tại Gỗ Đức Thành, nhiều nhà đầu tư thắc mắc vì sao công ty không dùng lượng tiền mặt dồi dào của mình để đầu tư vào nhà xưởng đất đai để sinh lợi? Đáp lại, bà Lê Hải Liễu cho rằng: Đầu tư vào nhà máy là chi phí lớn và thời gian thu hồi vốn chậm, do đó, việc mở rộng hoạt động luôn phải có những phân tích kỹ và đúng thời điểm chứ không thể nào nóng vội.
Sự thận trọng, cần kiệm và chắt chiu là những gì mà người phụ nữ sinh năm 1962, từng là giảng viên Khoa Thống kê - Toán đã cấy sâu vào tâm thức toàn thể đội ngũ nhân viên hàng nghìn người của Gỗ Đức Thành.