|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch REE: Tôi luôn hỏi đội ngũ quản lý 'phải làm gì mới đi chứ?'

08:11 | 25/05/2019
Chia sẻ
Trong hành trình gần 4 thập kỷ gắn bó với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) thường hỏi đội ngũ quản lý của mình rằng, “Này các bạn, phải làm điều gì mới đi chứ?”.

Bằng cách nào có thể thường xuyên duy trì sự năng động và cấp tiến trong suốt hành trình phát triển của doanh nghiệp?

Nữ tướng gắn bó 37 năm trong ngành điện lạnh, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ Điện Lạnh (REE), thừa nhận, đó là câu hỏi khó mà bà đã phải nhiều lần suy nghĩ.

Bởi với REE, đã có nhiều dấu ấn “đầu tiên” quan trọng. Họ là đơn vị lắp đặt hệ thống điện lạnh lớn đầu tiên Việt Nam vào 1984 tại nhà hát Hoà Bình, là đơn vị đầu tiên cổ phần hoá từ 26 năm trước, là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2000,…

Chủ tịch REE: Tôi luôn hỏi đội ngũ quản lý phải làm gì mới đi chứ? - Ảnh 1.

Là tuýp  phụ nữ cấp tiến, bà Mai Thanh tốt nghiệp ở Đông Đức năm 1982 và trở về Việt Nam. Khi đó, tìm một công ty liên quan đến ngành học điện lạnh để đầu quân, bà hào hứng có thể “làm nên chuyện gì đó” tại REE- công ty khi đó có dàn máy móc rỉ sét, cũ kỹ và xù xì nằm gọn trong nhà xưởng, mà không chút nản chí.

Cô kỹ sư Mai Thanh tại REE thời điểm 1982 tận dụng những máy móc second-hand để liên tục hình thành 10 nhà máy nước đá khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 4 năm sau đó, nước nhà bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

“Thời điểm đó, các doanh nghiệp Việt Nam như đang ngộp thở mà bắt được luồng không khí mới. REE cũng tiếp cận rất hồ hởi bởi đang khát mà có nước để uống, đang ngộp mà có không khí để thở nên tôi bắt hết”, bà Mai Thanh ví von và nhìn lại, sau hơn 4 thập kỷ phát triển, REE trụ vững bằng 3 trụ cột là văn phòng cho thuê, cơ sở hạ tầng điện và nước, cơ điện lạnh.

Liệu khi gắn bó quá lâu với một tổ chức, mọi “đường đi nước bước” trở nên dần quen thuộc thì sự thay đổi trở nên khó khăn hơn,  và nhà lãnh đạo khó chấp nhận sự thay đổi, khó chấp nhận những ý kiến/quan điểm mới có thể diễn ra trong doanh nghiệp?

Nhiều lúc nhìn lại, bà cảm thấy mô hình doanh nghiệp mình “sao còn cũ kỹ”, không giống như thế hệ trẻ tươi mới, gắn với xu hướng công nghệ thịnh hành ngày nay. 

Bà Mai Thanh phải luôn hỏi đội ngũ quản lý của mình rằng, “Này các bạn, phải làm điều gì mới đi chứ?”. Đó là lời mở đầu để một số hoạt động quản lý hiện thời của REE đã được áp dụng một số công nghệ phù hợp.

Chủ tịch REE: Tôi luôn hỏi đội ngũ quản lý phải làm gì mới đi chứ? - Ảnh 2.

Thay đổi không chỉ được dựng lên nhằm thể hiện trách nhiệm mà thực tế, đó là việc xuất phát từ ý định muốn thay đổi thật nhanh của người lãnh đạo, bởi, vị thế của doanh nghiệp mỗi thời mỗi khác.

“Phải xem vị trí của doanh nghiệp đang ở đâu trên thị trường này, và trong 5-10 năm tới sẽ đi đâu”, Chủ tịch REE dẫn giải về động lực thay đổi. 

Còn với 37 năm làm việc trong lĩnh vực kiểm toán và 28 năm gắn bó với Deloitte Việt Nam, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, ngành tư vấn, chiến lược, quản trị rủi ro như Delloite, mỗi ngày đều diễn ra nhiều điều mới mẻ.

Và nếu không nỗ lực thay đổi, dù có 30 năm kinh nghiệm trong ngành này thì cũng không thể tạo ra giá trị gì.  Bà Thanh khẳng định, việc giữ vị trí cao nhất ở Delloite Việt Nam không phải để “làm lãnh đạo” mà đó là “làm nghề”.

Nhưng không thể phủ nhận, khi quá quen thuộc với một tổ chức, đôi lúc sự thay đổi làm nữ lãnh đạo trở nên e ngại và chạm tới cảm xúc ở trong cùng của người phụ nữ, đó là liệu sự thay đổi có khiến giá trị quá khứ bị hao mòn?.

“Thỉnh thoảng, mình rơi vào trạng thái e ngại sự thay đổi và dẫn tới việc, tổ chức cũng ngại nói với mình”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Delloite Việt Nam nói và nhấn mạnh quan điểm, lãnh đạo càng lâu, càng cần tư duy cởi mở.

Hồng Phúc