Những 'nữ tướng' Việt là lãnh đạo trong các tập đoàn đa quốc gia
Nguyễn Thái Hải Vân - Apple
Theo trang LinkedIn cá nhân, bà Nguyễn Thái Hải Vân tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại tại trường Đại học Ngoại thương TP HCM vào đầu những năm 2000. Bà Vân đã trở thành một trong những người đầu tiên được tuyển vào chương trình tập sự của Unilever, doanh nghiệp đa quốc gia về hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới, mới tiến vào thị trường Việt thời điểm đó.
Bà Hải Vân từng giữ chức Phó chủ tịch phụ trách marketing của Unilever Việt Nam từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2019. Bà Vân cũng từng là đồng Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (Vietnam Mobile Marketing Association).
Mọi người bắt đầu biết nhiều hơn đến cái tên Nguyễn Thái Hải Vân khi bà trở thành Giám đốc điều hành Grab Việt Nam từ cuối năm 2019. Thời điểm đó, bà Hải Vân được kỳ vọng là người sẽ lãnh đạo Grab Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo sau khi người tiền nhiệm Jerry Lim trở về Singapore để nắm giữ một vị trí quản lý cấp khu vực.
Chỉ một năm sau, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã chứng kiến sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có Grab.
Dưới sự lãnh đạo của bà Vân, Grab Việt Nam từng bước triển khai các chiến lược để vượt qua đại dịch. "Bà Hải Vân đã lãnh đạo Grab Việt Nam vượt qua giai đoạn đại dịch COVID-19 nhiều bất ổn và thử thách, dẫn dắt hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam đạt được những tăng trưởng ấn tượng", Grab Việt Nam chia sẻ.
Tới tháng 3, trang tin Tech in Asia đưa tin bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ chính thức từ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Grab từ tháng 4. Tới tháng 5, bà Vân tiếp tục gia nhập một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ khác là Apple và giữ vị trí Giám đốc Quốc gia ở thị trường Việt.
Nguyễn Quỳnh Trâm - Microsoft
Tháng 3, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã đăng tải thông tin công bố bổ nhiệm bà Nguyễn Quỳnh Trâm lên làm tân Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Trên cương vị mới, bà Trâm sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên tất cả các ngành, góp phần giúp Việt Nam đạt được tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Bà Trâm cũng sẽ tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp áp dụng công nghệ đám mây, xây dựng khả năng phục hồi sau đại dịch và trao quyền cho các doanh nghiệp số và các công ty khởi nghiệp để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.
Tân Tổng Giám đốc của Microsoft Việt Nam từng có 20 năm kinh nghiệm quản lý các thị trường khu vực châu Á và châu Âu, đồng thời giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông và truyền thông.
Trước khi gia nhập Microsoft, bà Trâm từng giữ vị trí Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của Google. Bà cũng từng là Phó Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của FOX Networks Group, cũng như đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại Vietnamobile, VSTV – liên doanh đầu tiên giữa Đài truyền hình Việt Nam VTV và Tập đoàn truyền hình trả tiền của Pháp Canal Plus, PayPal và Orange France, là nhà nghiên cứu và viết dự án cho Việt Nam tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Bà Trâm có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Kinh doanh École Supérieure des Sciences Economiques et Commerciales (ESSEC Business School) và tốt nghiệp Đại học Erasmus Rotterdam, Trường Kinh tế.
Lương Thị Lệ Thủy - Cisco
Bà Lương Thị Lệ Thủy từng tốt nghiệp đại học sư phạm, song chuyển hướng tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Bà cũng từng thừa nhận đó là rào cản lớn bởi không có kiến thức chuyên ngành.
Khi ra trường, với vốn tiếng Anh lưu loát, bà Thủy đã được nhận vào làm việc tại một công ty nước ngoài. Trước khi gia nhập Cisco năm 2006, bà phụ trách phân khúc khách hàng đa quốc gia của Dimension Data, một “đối tác vàng” của Cisco, nơi bà Thủy được trao tặng giải thưởng Asia Premier League Award và Customer Satisfaction Award vào các năm 2004 và 2005.
Bà Thủy bắt đầu đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia từ năm 2015. Bà phụ trách các hoạt động phục vụ khách hàng trong nhiều ngành kinh tế để đưa những sáng tạo mới nhất của Cisco đến khu vực, hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh và góp phần đổi mới công nghệ tại các quốc gia bà lãnh đạo.
Phạm Thị Thu Diệp - IBM
Đầu năm 2021, Tập đoàn IBM, một ông lớn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ đã công bố bà Phạm Thị Thu Diệp ngồi vào vị trí Tổng Giám đốc của IBM Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu vị “nữ tướng” đầu tiên của IBM sau tròn 25 năm công ty hoạt động tại Việt Nam. Trước đó, bà Diệp đã gia nhập IBM từ năm 2011, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trước trở thành lãnh đạo IBM Việt Nam.
Bà Diệp chịu trách nhiệm về tăng trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm tăng cường sự hiện diện và quan hệ đối tác của IBM với các khách hàng và đối tác trong ứng dụng đám mây lai mở và chuyển đổi kỹ thuật số dựa trên nền tảng phần mềm nhận thức.
Trước khi trở thành “nữ tướng” đầu tiên của IBM Việt Nam, bà Diệp từng bắt đầu sự nghiệp tại công ty dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp toàn cầu TRG International. Sau đó bà nắm giữ một số vị trí quản lý tại Exact, đơn vị cung cấp dịch vụ ERP và phần mềm đám mây.
Bà Diệp tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Sau khi ra trường, bà tiếp tục tham gia nhiều khóa đào tạo trong và ngoài nước trong quá trình công tác tại các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Nguyễn Thị Bích Vân – Unilever
Theo trang LinkedIn cá nhân, bà Nguyễn Thị Bích Vân gia nhập Unilever Việt Nam từ năm 1996, làm việc trong bộ phận marketing. Từ đó tới nay, bà đã trải qua nhiều vị trí và vai trò, từ nhân viên đến phụ trách mảng tiếp thị ngành hàng chăm sóc cá nhân, tại Unilever Việt Nam.
Năm 2015, bà phụ trách phát triển khách hàng cho toàn khu vực Đông Nam Á, Úc, New Zealand và đến 2017, sau 21 năm gắn bó, bà trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Unilever Việt Nam. Tính đến năm 2022, bà Vân đã có 6 năm dẫn dắt Unilever trên cương vị lãnh đạo.