|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bà Đào Thu Phương rời Cốc Cốc sau một thập kỷ: Một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng doanh nghiệp

14:27 | 21/10/2021
Chia sẻ
Bà Đào Thu Phương, Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc đã chính thức chia tay doanh nghiệp sau tròn 3.500 ngày cống hiến.

Ngày 20/10, "nữ tướng" Đào Thu Phương chính thức rời khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc, khép lại 3.500 ngày (tương đương 10 năm) chinh chiến cùng đơn vị này. Bà Phương chính là một trong những trụ cột, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát Cốc Cốc, qua đó đưa nền tảng này vươn tầm những ứng dụng trình duyệt web hàng đầu Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại trường Đại học Kharkov, Ukraine, bà Phương đầu quân cho Cốc Cốc từ năm 2012, trở thành một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho nền tảng này, cùng với những nhà sáng lập khác, theo Vietnamnet.

Sau 6 năm, tới tháng 10/2018, bà Đào Thu Phương chính thức được bổ nhiệm vai trò Giám đốc điều hành doanh nghiệp. Tới tháng 11/2019, bà Phương trở thành Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc.

'Nữ tướng' rời Cốc Cốc sau 10 năm gắn bó: Theo học ngành máy tính tại Ukraine, một trong những viên gạch đầu tiên của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bà Đào Thu Phương chính thức rời Cốc Cốc. (Ảnh: Vietnamnet).

Người đặt nền móng cho Cốc Cốc

Trong suốt 10 năm cống hiến, bà Phương đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc xây dựng và cơ cấu lại bộ máy tổ chức, xây dựng quy trình các hoạt động kinh doanh của Cốc Cốc.

Thông qua việc kết hợp giữa kinh nghiệm bán hàng sẵn có và kiến thức về công nghệ sau khi được đào tạo qua trường lớp, "nữ tướng" này đã thành công trong việc xây dựng đội ngũ hơn 150 cá nhân , phục vụ hơn 16.000 khách hàng, thiết lập hơn 20.000 chiến dịch quảng cáo mỗi tháng.

Bà Đào Thu Phương cũng có vai trò quan trọng trong việc đưa Cốc Cốc trở thành nền tảng quảng cáo đứng top Việt Nam, giúp doanh nghiệp đạt doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, theo thông tin doanh nghiệp công bố.

Ngoài mảng kinh doanh, bà Phương cũng giữ vai trò nhất định trong việc điều hành mảng phát triển sản phẩm trên máy tính và di động cũng như mảng phát triển người dùng. Dưới sự lãnh đạo của "nữ tướng" này, Cốc Cốc đã đạt được những thành tích nhất định, chẳng hạn như có 25 triệu người dùng trên tất cả nền tảng, đưa Cốc Cốc trở thành top 4 trình duyệt phổ biến nhất Việt Nam.

Khi nhận thấy hệ thống quảng cáo là nền tảng tốt nhất để kết nối nhà quảng cáo với người dùng, bà Phương đã lãnh đạo đội ngũ Cốc Cốc phát triển sản phẩm tương ứng, từ đó xây dựng hệ sinh thái số cho doanh nghiệp. Một trong những mạng lưới tâm huyết của bà phải kể đến Cốc Cốc Audience Network.

"Công ty không quảng cáo nữa thì sống tiếp được bao nhiêu ngày?"

Năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, gây ra không ít khó khăn cho nền kinh tế nước nhà. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Cốc Cốc cũng đứng trước những khó khăn.

"Ngày nào bọn mình cũng họp, tìm cách điều chỉnh liên tục và tự hỏi: Mình có thể sống sót bằng cách nào; trường hợp xấu nhất xảy ra là các công ty không quảng cáo nữa và không có doanh thu thì sẽ sống tiếp được bao nhiêu ngày?", bà Phương chia sẻ.

Trong quãng thời gian khó khăn, bà Phương tâm sự rằng trong lĩnh vực công nghệ, nhân sự là quan trọng nhất. Vì vậy, nếu vào thời điểm khó khăn, ban lãnh đạo quay lưng với người lao động thì sẽ tạo ra tâm lý không tốt, khiến những người giỏi ra đi.

Vì vậy, bà Phương cùng ban lãnh đạo Cốc Cốc đã cố gắng thực hiện chiến lược cắt giảm chi phí nhưng không cắt giảm nhân sự, chia sẻ thẳng thắn về việc buộc phải giảm lương trong một thời gian khi doanh thu của công ty lao dốc. Và khi con số về tỷ lệ giảm được công bố, Đào Thu Phương nhận được phản hồi "thở phào" từ nhiều nhân sự: "Ôi may quá, giảm thế thôi à!", theo IIP Việt Nam.

'Nữ tướng' rời Cốc Cốc sau 10 năm gắn bó: Theo học ngành máy tính tại Ukraine, một trong những viên gạch đầu tiên của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Bà Phương là một trong những người đặt nền móng cho doanh nghiệp. (Ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam).

Trước khi rời Cốc Cốc, bà Phương từng nhấn mạnh về những khó khăn mà Cốc Cốc có thể gặp phải tại buổi "Tọa đàm cấp cao kinh tế số - Chìa khóa tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Tập đoàn IEC và Tập đoàn HPE chủ trì tổ chức gần đây.

Cụ thể, theo nữ lãnh đạo Cốc Cốc, thời gian qua, khi xu hướng thế giới dịch chuyển dần sang mảng điện thoại thông minh, các ứng dụng giải trí thường được kiểm duyệt bởi những gã khổng lồ là Apple và Google. Chính vì vậy, Cốc Cốc chịu sự phụ thuộc vào hai doanh nghiệp này.

Ngoài ra, một khó khăn khác mà Cốc Cốc gặp phải khi phát triển các ứng dụng đó là rất khó để tiếp cận các nhà sản xuất thiết bị di động vì họ cũng có những thỏa thuận với Google Play Store để được cài Android cũng như những ứng dụng khác của Google. Do đó, Cốc Cốc rất hạn chế để tiếp cận người dùng.

Do đó, "nữ tướng" Cốc Cốc mong muốn trong tương lai sẽ nhận được những sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để có sự cạnh tranh lành mạnh hơn cùng Google và Apple. Ngày 15/10, Cốc Cốc cũng tổ chức buổi chia tay với bà Đào Thu Phương.

Quốc Anh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.