|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ Founder 'của hiếm' đứng sau kỳ lân fintech Đông Nam Á: Không bằng cấp tài chính, cung cấp dịch vụ cho Grab, Traveloka

06:46 | 21/10/2021
Chia sẻ
"Tôi không có bằng Ivy League và còn rất trẻ. Để được mọi người nhìn nhận một cách nghiêm túc khi bạn là một phụ nữ trẻ quả thực rất khó", nữ Founder này chia sẻ.

Bà Tessa Wijaya tự miêu tả bản thân là "một con kỳ lân giữa những đàn kỳ lân".  Bà là người Indonesia, hiện điều hành một startup công nghệ tài chính (fintech) được định giá 1 tỷ USD ở Đông Nam Á. Theo CNBC, Tessa Wijaya là "của hiếm".

Thực tế, chỉ có 7% người lãnh đạo trong lĩnh vực fintech là nữ giới. Tuy nhiên, Wijaya hy vọng điều này sẽ thay đổi trong tương lai. Bà là minh chứng rõ ràng nhất cho việc phụ nữ hoàn toàn đủ khả năng theo đuổi con đường mà ít người dám đi. "Tôi thực sự mong muốn sẽ có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ hơn", bà cho biết.

Nữ Founder 'của hiếm' đứng sau kỳ lân fintech Đông Nam Á: Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính truyền thống lẫn bằng cấp ở những trường top đầu  - Ảnh 1.

Bà Tessa Wijaya, co-founder Xendit. (Ảnh: CNBC).

Bà Tessa Wijaya là nhà đồng sáng lập Xendit, một nền tảng fintech của Indonesia, chuyên xử lý thanh toán kỹ thuật số cho các doanh nghiệp ở Đông Nam Á như Grab, Wise và Traveloka.

Kể từ khi ra mắt năm 2015, Xendit đã phát triển nhanh chóng. Hiện doanh nghiệp này xử lý hơn 65 triệu giao dịch, trị giá 6,5 tỷ USD/năm. Trong tháng 9, giá trị doanh nghiệp đã cán mốc 1 tỷ USD, qua đó trở thành "kỳ lân" mới tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đối với Wijaya, thành công vẫn còn ở rất xa. "Thật khó tin khi một người như tôi - một phụ nữ sinh ra và lớn lên tại thị trấn nhỏ ở Indonesia – lại trở thành đồng sáng lập trong một công ty công nghệ được đầu tư bởi các quỹ hàng tỷ USD", bà chia sẻ.

Khẳng định vị trí trong lĩnh vực tài chính

Là một cô gái trẻ lớn lên ở Indonesia, bà Wijaya chia sẻ bản thân thật "kỳ lạ" khi so với những cô bé cùng trang lứa, thích chơi các trò chơi hành động hơn là búp bê.

Dù vậy, bà có nhiều tham vọng, được truyền cảm hứng từ người bà đã nuôi nấng mình từ bé. Đồng thời, người bà của Wijaya cũng là chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ.

Năm 20 tuổi, Wijaya đã tham gia phỏng vấn ứng tuyển vào vị trí nhà phân tích tại một quỹ đầu tư tư nhân mới ở Jakarta. Mặc dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính truyền thống, nhưng tư duy phản biện và quyết tâm của bà đã gây ấn tượng với đội ngũ tuyển dụng. Cuối cùng, bà được nhận vào làm. Ngoài ra, Co-Founder Xendit cũng dành thêm thời gian để tích lũy kiến thức cho bản thân.

Tuy nhiên, cuộc hành trình không hề dễ dàng. Là một phụ nữ, bà đã gặp không ít khó khăn. Bà không được đào tạo tại những ngôi trường danh tiếng như Harvard hay MIT như những đồng nghiệp. Thậm chí, bà từng bị phớt lờ bởi một Tổng Giám đốc quỹ đầu tư.

"Đối với tôi, đó là một thử thách lớn ... làm thế nào để tôi theo kịp những người này? Tôi không có bằng Ivy League và còn rất trẻ. Để được mọi người nhìn nhận một cách nghiêm túc khi bạn là một phụ nữ trẻ quả thực rất khó", bà chia sẻ.

Nữ Founder 'của hiếm' đứng sau kỳ lân fintech Đông Nam Á: Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính truyền thống lẫn bằng cấp ở những trường top đầu  - Ảnh 2.

Bà Wijaya luôn đấu tranh để giúp đỡ phụ nữ. (Ảnh: CNBC).

Bản thân bà Wijaya không hề lo ngại trước những khó khăn, muốn có một chỗ đứng nhất định trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đang phát triển. Chính vì vậy, bà đã làm việc chặt chẽ với các startup mới nổi trong lĩnh vực cổ phần tư nhân, qua đó nhận thấy xu hướng đang lên của lĩnh vực công nghệ vào những năm 2010. Tuy nhiên, bà cũng để ý tới một liên kết còn thiếu.

"Bạn có dịch vụ gọi xe, thương mại điện tử. Dù vậy, những dịch vụ này sẽ chẳng là gì nếu không có các khoản thanh toán", bà nhấn mạnh. Trong một lần tình cờ, Wijaya được giới thiệu với một nhóm sinh viên từ Đại học California, những người đang thực hiện dự án tương tự thông qua startup Y Combinator. "Đó là tình yêu công việc ngay từ cái nhìn đầu tiên, theo bà Wijaya. Nhóm nghiên cứu ngay lập tức bắt đầu làm việc trên một nền tảng thanh toán mới, tiền thân của Xendit.

Qua 6 năm, bà Wijaya và đội ngũ nhân viên 600 người đã xử lý các khoản thanh toán trực tuyến, điều hành thị trường và quản lý tài chính cho nhiều doanh nghiệp ở Malaysia, Philippines, Singapore,....

Theo bà, trong số nhân viên Xendit, khoảng 40% là phụ nữ. "Giúp đỡ phụ nữ là trách nhiệm của tôi. Tôi từng được trao cơ hội tuyệt vời để thay đổi, vì vậy tôi muốn giúp đỡ để nhiều phụ nữ khác có thể thăng tiến, trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo", bà nói.

Xendit thực hiện điều đó bằng cách điều hành các chương trình cố vấn như "Women In Tech" cho phụ nữ, tạo điều kiện cho nhân viên mang thai có thể quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ theo quy định,… Bà Wijaya hy vọng rằng sự hỗ trợ này sẽ góp phần tạo ra sự khác biệt trong việc khuyến khích phụ nữ trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo trên thị trường fintech.

Quốc Anh