|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT

15:29 | 16/03/2022
Chia sẻ
Trong Forbes Việt Nam số báo 103, lần đầu tiên đơn vị truyền thông này đã công bố danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp đang điều hành hoạt động tại các doanh nghiệp ở Việt Nam.

"Các câu chuyện trong số báo này khắc họa những người phụ nữ hiện đại làm chủ tri thức, công nghệ, khoa học, kỹ năng quản lý, quản trị và họ không lấy giới tính ra để đòi hỏi đặc quyền so với các đồng nghiệp nam. Họ đi lên bằng thực lực, từ sự học hỏi, trau dồi kỹ năng không ngừng và thậm chí có ưu thế về sự thấu cảm", phía Forbes Việt Nam cho hay.

Phương pháp bầu chọn được đội ngũ phóng viên Forbes Việt Nam tìm hiểu những nhà quản lý nữ quốc tịch Việt Nam, từ dữ liệu các công ty niêm yết, các doanh nghiệp tư nhân lớn hàng đầu, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Các tiêu chí gồm: họ giữ vị trí cao, đang điều hành, dẫn dắt các công ty tư nhân lớn hàng đầu Việt Nam ở cương vị chủ tịch hay giám đốc điều hành; họ cũng có thể đang làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, phụ trách những mảng hoạt động, ngành hàng quan trọng; họ có phong cách làm việc chuyên nghiệp, có năng lực cá nhân; họ quản lý các công ty có vị thế trong ngành, hoạt động lành mạnh.

Vị trí lãnh đạo tính đến thời điểm ngày 28/2/2022. Dưới đây một số gương mặt tiêu biểu trong danh sách nữ quản lý hàng đầu Việt Nam do Forbes công bố:

Nguyễn Ngô Vi Tâm (CEO Vĩnh Hoàn)

Từ CEO Vĩnh Hoàn tới nữ tướng VinFast toàn cầu lần lượt lọt top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp do Forbes Việt Nam công bố - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm gắn bó với Vĩnh Hoàn từ năm 2003, trải qua nhiều vị trí từ nhân viên kinh doanh, trưởng phòng kinh doanh tới phó tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm tổng giám đốc năm 2016.

Hiện tại, Vĩnh Hoàn là công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, liên tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra từ năm 2009 đến nay. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt gần 400 triệu đô la Mỹ. Doanh thu hợp nhất toàn công ty đạt 9.060 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỉ đồng, tăng 54% so với năm trước. Bà Vi Tâm đang điều hành công ty có 10 ngàn nhân viên, vùng nuôi 600 héc ta, tổng công suất các nhà máy chế biến đạt 1.000 tấn cá tra/ngày.

Nguyễn Thái Hải Vân (Cựu CEO Grab Việt Nam)

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT - Ảnh 2.

Nguyễn Thái Hải Vân trở thành giám đốc điều hành Grab Việt Nam từ cuối năm 2019. Ngay sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam. Dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua những biến động lớn, Hải Vân thực hành phong cách lãnh đạo "làm gương" và cổ xúy cho lối sống xanh, cân bằng, hỗ trợ cộng sự tìm các động lực để tự thân phát triển. 

Trước khi gia nhập Grab Việt Nam, Hải Vân phát triển sự nghiệp tại Unilever Việt Nam với vị trí cuối cùng tại đây là phó chủ tịch phụ trách ngành hàng chăm sóc cá nhân và chiến lược truyền thông.

Nguyễn Đức Thạch Diễm (CEO Sacombank)

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT - Ảnh 3.

Bà Thạch Diễm bắt đầu làm việc tại Sacombank năm 2002 và trải qua nhiều vị trí trong lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ. Bà có hơn 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại phòng giao dịch, phòng nghiệp vụ chi nhánh, văn phòng khu vực TP HCM trước khi trở thành người điều hành cao nhất tại ngân hàng. 

Giữa năm 2017, bà được bổ nhiệm làm CEO của Sacombank và góp phần tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giúp ngân hàng vượt qua khó khăn do các thay đổi về cơ cấu cổ đông và biến động trên thượng tầng.

Sau năm năm ngồi ghế nóng tại Sacombank, bà Diễm góp phần giải quyết khoản nợ xấu gần 97 ngàn tỉ đồng, tương đương 30% tổng tài sản của ngân hàng, thu hồi gần 72 ngàn tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, đưa ngân hàng quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Nguyễn Diệu Linh (Chủ tịch Vinhomes)

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Diệu Linh là phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Vingroup, chủ tịch công ty cổ phần Vinhomes, thành viên của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Từ tháng 2/2018 bà được bầu vào hội đồng quản trị Vinhomes và giữ vị trí phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc từ tháng 7/2018 đến ngày 28/2/2019. 

Ngày 28/2/2019, bà trở thành chủ tịch công ty cổ phần Vinhomes. Năm 2021, Vinhomes thông báo tổng doanh thu thuần hợp nhất đa 85.094 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đạt 48.469 tỉ đồng.

Lê Thị Thu Thủy (Tổng giám đốc VinFast toàn cầu)

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT - Ảnh 5.

Cuối năm 2021, Vingroup bổ nhiệm bà Thủy làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu, chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của VinFast, hướng tới mục tiêu đưa thương hiệu Việt Nam này trở thành hãng xe điện thông minh trên thế giới. 

Bà Thủy trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của VinFast tại các thị trường hiện nay như Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan và bà cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu và mở rộng kinh doanh của VinFast sang các thị trường tiềm năng khác.

Thành lập năm 2017, sau khoảng 21 tháng, VinFast khánh thành tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện rộng 335 héc ta tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) và bàn giao những chiếc xe Fadil đầu tiên cho khách hàng – một tốc độ triển khai dự án thần tốc với sự khởi đầu lĩnh vực kinh doanh mới từ con số 0. 

Tháng 11/2022, tại triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES, VinFast công bố chiến lược phát triển thành công ty sản xuất xe điện 100% và công bố các dòng xe điện hoàn chỉnh phân khúc A-B-C-D-E. VinFast đang tiên phong triển khai mô hình kinh doanh cho thuê pin tại tất cả thị trường.

Nguyễn Bạch Điệp (Chủ tịch FPT Retail)

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT - Ảnh 6.

Năm 2021, bà Bạch Điệp và FPT Retail gặp nhiều thử thách từ đại dịch COVID-19. Nhưng đây là năm công ty gặt hái các trái ngọt với hệ thống nhà thuốc Long Châu. Tận dụng cơ hội nhu cầu tăng cao trong đại dịch, Long Châu nhanh chóng mở rộng chuỗi lên 400 địa điểm, tăng 200 cửa hàng so với đầu năm. Năm 2021, hệ thống nhà thuốc này bắt đầu có lãi, sớm hơn hai năm so với dự kiến.

Do ảnh hưởng của COVID-19, giữa năm 2021, hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử tiêu dùng (ICT) phải đóng 50% số cửa hàng do giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Bà Điệp đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, nhân viên bán hàng trực tiếp thành nhân viên tư vấn trực tuyến và giao hàng. 

Khi dịch bệnh được kiểm soát, cuối năm 2021, FPT Shop mở thêm 52 cửa hàng, nâng số địa điểm lên 647, củng cố vị thế là nhà bán lẻ thiết bị điện tử lớn thứ hai thị trường, dẫn đầu về thị phần bán lẻ máy tính xách tay.

Bà Bạch Điệp được mệnh danh là "người đàn bà thép" tại tập đoàn FPT, công ty sở hữu 46% FPT Retail (thành lập năm 2012). Bà Điệp là người tham gia thành lập công ty từ những ngày đầu và ngồi ghế CEO của FPT Retail đến năm 2020.

Nguyễn Thị Bích Vân (Chủ tịch Unilever Việt Nam)

Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp Việt Nam: Từ 2 bóng hồng bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng tới người đàn bà thép của FPT - Ảnh 7.

Năm 2022, bà Nguyễn Thị Bích Vân bước sang năm thứ sáu dẫn dắt Unilever Việt Nam với vai trò chủ tịch và là năm thứ 27 làm việc tại đây, bằng thời gian tập đoàn này có mặt tại Việt Nam. Bà Vân đã kinh qua nhiều vị trí, từ nhân viên đến phụ trách mảng tiếp thị ngành hàng chăm sóc cá nhân, quản lý tại Unilever Việt Nam. 

Năm 2015, bà phụ trách phát triển khách hàng cho toàn khu vực Đông Nam Á, Úc, New Zealand và đến 2017, sau 21 năm gắn bó, bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Unilever Việt Nam.

Bà Vân dẫn dắt hành trình chuyển đổi số tại Unilever Việt Nam từ 2018 và phát huy hiệu quả trong năm 2021, khi Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư. Nhờ đó chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, hàng hóa phân phối thông suốt đến khách hàng. 

Bà Vân cũng lãnh đạo đội nhóm thực thi phát triển bền vững tại Việt Nam với "la bàn Unilever" gồm ba chủ đề. Mỗi chủ đề có chương trình hành động với mục tiêu cụ thể. Unilever Việt Nam cam kết sản xuất bền vững, quản lý rác thải nhựa, thúc đẩy bình đẳng giới thông qua trao quyền cho phụ nữ, cải thiện sinh kế và đời sống cho người dân…

Chí Dũng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.